Tàu OSIRIS-REx của NASA hôm qua thiết lập mốc lịch sử mới trong công cuộc khám phá vũ trụ của nhân loại khi lần đầu tiên đi vào quỹ đạo xung quanh một tiểu hành tinh, AFP đưa tin. Tiểu hành tinh mang tên Bennu có đường kính chỉ khoảng 500 m, trở thành vật thể nhỏ nhất trong vũ trụ có vệ tinh nhân tạo bay quanh.
OSIRIS-REx được phóng lên vào ngày 8/9/2016 tại Mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ. Con tàu trị giá 800 triệu USD có nhiệm vụ thăm dò tiểu hành tinh và mang những mẫu vật chất trở về Trái Đất nghiên cứu. Vào lúc 14h43 hôm qua theo giờ địa phương (2h43 phút sáng nay theo giờ Hà Nội), con tàu chính thức đi vào quỹ đạo quanh tiểu hành tinh Bennu.
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx bay cách tâm của Bennu khoảng 1,6 km và mất 62 giờ để hoàn thành một quỹ đạo quanh tiểu hành tinh này. Con tàu dự kiến sẽ quay quanh Bennu đến giữa tháng 2, sử dụng các thiết bị khoa học để lập bản đồ tiểu hành tinh ở độ phân giải cao, giúp các nhà khoa học xác định điểm thích hợp để lấy mẫu vật.
Theo kế hoạch, vào năm 2020, con tàu sẽ triển khai cánh tay robot để chạm vào bề mặt tiểu hành tinh, sau đó sử dụng một thiết bị hình tròn giống như bộ lọc không khí của ôtô để thu mẫu bụi. Tàu OSIRIS-REx được kỳ vọng sẽ quay trở lại Trái Đất vào năm 2023 và mang về khoảng 60 gram mẫu vật.
"Đi vào quỹ đạo quanh tiểu hành tinh Bennu là một thành tựu đáng kinh ngạc mà nhóm của chúng tôi đã lên kế hoạch trong nhiều năm", Dante Lauretta, nhà điều tra chính của dự án OSIRIS-REx tại Đại học Arizona cho biết. "Chưa từng có tàu vũ trụ nào bay rất gần một vật thể không gian nhỏ như vậy".
Bennu có lực hấp dẫn chỉ bằng năm phần triệu so với Trái Đất nhưng vừa đủ để giữ tàu vũ trụ quay quanh. Tiểu hành tinh này được coi là mối nguy hiểm tiềm tàng khi có 0,00037% (1/2.700) khả năng va chạm với Trái Đất vào năm 2135. Việc nghiên cứu tiểu hành tinh không chỉ giúp các nhà khoa học tìm cách đối phó với thảm họa trong tương lai mà còn có thể tiết lộ nhiều thông tin mới về sự hình thành của hệ Mặt Trời.