Tàu vũ trụ Hope của UAE tới sao Hỏa, đưa UAE trở thành cái tên thứ 5 làm được điều này sau NASA, Liên Xô, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Ấn Độ. UAE cũng là nước Arab đầu tiên đưa tàu vũ trụ tới hành tinh đỏ. "Thành công! Liên lạc với tàu vũ trụ Hope đã được thiết lập lại. Quá trình tiến vào quỹ đạo sao Hỏa hoàn tất", nhóm vận hành con tàu thông báo trên mạng xã hội Twitter lúc 23h16 hôm 9/2.
Hope phóng lên không gian vào ngày 19/7 năm ngoái nhờ tên lửa Nhật Bản H-IIA. Hành trình 7 tháng của nó đã kết thúc tốt đẹp. "Đây là một hành trình đáng chú ý của nhân loại", Sarah Al Amiri, chủ tịch Cơ quan Vũ trụ UAE, nhận xét. Theo thống kê, có tới 1/2 các chuyến bay tới sao Hỏa kết thúc thất bại.
Để tiến vào quỹ đạo, Hope phải đốt cháy 6 động cơ đẩy trong 27 phút nhằm giảm tốc từ 121.000 km mỗi giờ xuống 18.000 km mỗi giờ. Nó sẽ bay theo quỹ đạo tạm thời này vài tháng để chuẩn bị vận hành các thiết bị trên tàu.
Con tàu dự kiến tiến vào quỹ đạo khoa học trong tháng 5. Khi đó, nó sẽ di chuyển phía trên xích đạo, hoàn thành một vòng bay mỗi 55 tiếng. Đây là quỹ đạo mới đối với tàu vũ trụ sao Hỏa, tạo cơ hội cho Hope nghiên cứu những hiện tượng khí quyển quy mô lớn của hành tinh này. Nhiệm vụ dự kiến kéo dài một năm sao Hỏa, tương đương 687 ngày Trái Đất.
Hope mang theo ba dụng cụ khoa học nhằm giúp nghiên cứu thời tiết gần bề mặt sao Hỏa, mối liên kết giữa các lớp khí quyển khác nhau và quá trình khí quyển thất thoát ra không gian. Các chuyên gia hy vọng dữ liệu này sẽ giúp họ tìm hiểu bão bụi trên bề mặt hành tinh đỏ ảnh hưởng tới sự thất thoát khí quyển như thế nào, các hệ thống thời tiết liên quan đến nhau ra sao.
UAE đang đẩy mạnh phát triển ngành vũ trụ với việc tuyển chọn phi hành gia mới, lên kế hoạch phóng trạm đổ bộ lên Mặt Trăng năm 2024 và lập chương trình kéo dài một thế kỷ mang tên Sao Hỏa 2117.
Thu Thảo (Theo Space)