Gia đình ông Nguyễn Duy Muộn (64 tuổi, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) vừa có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra tình trạng hỏng hóc liên tục của tàu vỏ thép gần 18 tỷ đồng. “Đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng tàu cứ ra khơi chuyến nào thì trục trặc chuyến đó, hết hỏng máy lại vỡ tời…”, ông Muộn nói.
Con tàu công suất hơn 800 mã lực của ông Muộn hành nghề lưới chụp. Với tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng (vay ngân hàng 17 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của gia đình), tàu được Công ty Cổ phần Đại Dương (trụ sở tại xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình) đóng và hạ thủy vào tháng 8/2016.
Theo ông Muộn, tháng 10/2016 ông cùng thuyền viên ra khơi chuyến đầu tiên. Vừa thả lưới xuống biển thì máy tời bị vỡ không thể đánh bắt, ông phải đánh tàu vào xưởng sửa chữa của Công ty Đại Dương. Chuyến biển thứ hai đi được hai hôm thì máy phát điện chính bị hỏng, ông lại đánh tàu về cảng Hới (TP Sầm Sơn) sửa chữa.
Chuyến thứ ba, khi ra đến ngư trường thì nhận tin thời tiết có gió mùa, tàu phải vào đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) tránh trú. Vào đến nơi thả neo thì bất ngờ cả neo trước và sau bị gãy, con tàu trôi dạt. Ông Muộn cố gắng đánh tàu về cảng Hới thì bất ngờ lái thủy lực chính bung khỏi bệ, không thể điều khiển được tàu.
Sau gần một tháng lên đà sửa chữa, tàu tiếp tục ra khơi chuyến thứ tư nhưng cũng chỉ được một tuần sau thì máy phát điện tiếp tục hỏng, lại phải quay về. Các chuyến đi tiếp sau đó tàu đều gặp trục trặc phải dừng chuyến khai thác giữa chừng.
“Từ khi hạ thủy, tổng cộng 9 lần tàu trục trặc phải quay vào bờ sửa chữa, khiến tôi bù lỗ mỗi chuyến hàng trăm triệu đồng”, ông Muộn nói. Trên tàu của gia đình ông Muộn trung bình có 10 lao động, mỗi tháng ông chi khoảng 90 triệu đồng tiền lương. Chưa kể hàng quý gia đình phải trả góp ngân hàng số tiền 300 triệu đồng (vay theo Nghị định 67)… nên khó khăn chồng chất.
Tại Thanh Hóa, không riêng tàu cá của ông Muộn mà nhiều tàu vỏ thép khác được đóng theo Nghị định 67 cũng gặp tình trạng liên tục hư hỏng, như tàu của ông Lê Văn Lực (ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa), tàu của ông Trần Văn Thượng (ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia)...
Ngày 30/6, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục phó Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, trong 23 tàu vỏ thép đưa vào sử dụng có một số tàu hư hỏng, gặp sự cố.
“Hiện có hai tàu của ông Muộn và ông Nguyễn Văn Hồng, ở phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) nằm bờ nhiều ngày nay. Số tàu vỏ thép còn lại hư hỏng nhẹ, đi đánh bắt bình thường”, ông Cường nói. Sở Nông nghiệp đã có công văn gửi tất cả cơ sở, doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Thanh Hóa, yêu cầu phải tiếp nhận, sửa chữa để bà con yên tâm ra khơi.
Đến nay Thanh Hóa đã phê duyệt hồ sơ đóng mới 67 tàu cá theo Nghị định 67. 46 tàu đưa vào hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép, còn lại là tàu vỏ gỗ.
Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần. Tháng 8/2014, Bộ Nông nghiệp phê duyệt và công bố 21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Theo chính sách này, ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm. Trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. |
Lê Hoàng