Chiều 23/5, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan giảm xuống so với những ngày trước, còn 122 so với 125 tàu một ngày trước đó.
Tại thực địa, lực lượng Việt Nam vẫn kiên quyết, tăng cường sức mạnh, duy trì bám trụ đấu tranh và tiến sâu hơn vào giàn khoan ở khoảng cách từ 4 đến 5 hải lý. Các tàu kiểm ngư không giảm cường độ đấu tranh để buộc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc tập trung thành các nhóm khoảng 8-10 tàu gồm tàu cá, tàu kéo, hải cảnh, hải giám nhằm vây ép, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Tại khu vực cách giàn khoan 7-9 hải lý về phía tây nam, tàu kéo, tàu cá vỏ sắt sẵn sàng tấn công chia cắt, cản phá tàu cá Việt Nam.
"Tàu Trung Quốc không còn hung hăng như trước, các vụ đâm va, phun vòi rồng giảm bớt", ông Nguyễn Văn Trung, Cục phó Kiểm ngư nói và cho rằng đây là kết quả đấu tranh kiên trì của tàu Việt Nam trong những ngày qua.
"Tinh thần các kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư và ngư dân nước ta vẫn tốt", ông Trung nói thêm.
Một số tàu kiểm ngư của Việt Nam đã được điều động về bờ sửa chữa, bổ sung hậu cần. Những tàu kiểm ngư được đưa về bờ sửa chữa từ lần trước đã sẵn sàng trở lại hiện trường thực hiện nhiệm vụ. Những tàu này ngoài hư hại về thân, vỏ cabin, hầu hết đều bị hỏng hệ thống thông tin liên lạc, ống nhòm, máy ảnh, camera.
Chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế. Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, Việt Nam đã dùng mọi biện pháp hòa bình để trao đổi, đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không thiện chí, tiếp tục leo thang gây hấn, huy động cả tàu, máy bay quân sự đến vùng biển này. Trung Quốc còn xuyên tạc cho rằng Việt Nam chủ động gây hấn và tấn công Trung Quốc.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cũng bác bỏ thông tin mà Bộ Ngoại giao phía Trung Quốc đưa ra rằng phía Việt Nam khiêu khích và đâm va tàu của Trung Quốc. "Đó là thông tin hết sức sai lệch, mang tính vu cáo", vị Phó tư lệnh khẳng định.
Ông dẫn chứng, cao điểm ngày 20/5, Trung Quốc sử dụng tới 137 lượt tàu thuyền để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 4 tàu chiến và một số máy bay. Tàu Trung Quốc dùng súng phun nước công suất lớn, dùng máy tạo sóng âm tần gây khó chịu, ảnh hưởng thính giác ở khu vực xung quanh khoảng 100 m. Trung Quốc còn dùng đèn pha công suất lớn và các phương tiện âm thanh khác tác động đến tàu Việt Nam, bên cạnh hành động đâm va, ngăn cản tàu Việt Nam trên biển.
Cũng tại buổi họp báo, theo ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không gây ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành vi xâm phạm, thậm chí có nhiều tuyên bố sai lệch.
Hương Thu - Hoàng Thùy - Trọng Giáp