Ngày 30/5, số tàu Trung Quốc ở khu vực giàn khoan là 117, gồm 33 tàu hải cảnh, 17 tàu kéo, 13 tàu vận tải, 4 tàu quân sự, 50 tàu cá vỏ sắt. Ngoài ra, còn có một máy bay hoạt động quanh khu vực.
Khi lực lượng kiểm ngư di chuyển từ khu vực đông nam giàn khoan vào vị trí cách giàn khoan 5-6 hải lý thì bị nhóm tàu Trung Quốc gồm tàu hải cảnh, tàu ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải tổ chức áp sát, vây ép. Các tàu cá Trung Quốc tập hợp thành nhóm 35 tàu cá cùng hai tàu hải cảnh ngăn cản, vây ép tàu cá Việt Nam ngay khi cách giàn khoan 30-35 hải lý, thông báo của Kiểm ngư hôm nay cho biết.
Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, Trung Quốc vẫn duy trì 4 tàu quân sự, trong đó có hai tàu hộ vệ tên lửa và hai tàu quét mìn hoạt động cách giàn khoản 7-10 hải lý.
Dù bị tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt nhưng lực lượng kiểm ngư đã tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách 2,8 hải lý để thực hiện nhiệm vụ, nhằm đẩy lui giàn khoan. Đồng thời, các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu cố tình tạo va chạm của các tàu Trung Quốc.
Bình luận về việc hai tàu Trung Quốc tự phun nước, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định trên báo Tuổi trẻ: "Rất có thể họ đang thử áp lực nước của loại vòi rồng mới, bơm nước, súng phun nước kiểu mới, hoặc hệ thống chống phun nước mới được lắp đặt. Cũng có thể họ đang tạo nên hiện tượng giả để đánh lừa sự phán đoán của các tàu chấp pháp Việt Nam".
Trong một diễn biến khác, tàu cá có số hiệu DNa-90152-TS bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm đã được kéo về đất liền. Cục Kiểm ngư cùng lực lượng khác đưa 10 ngư dân về Đà Nẵng về chăm sóc sức khỏe. Ngày 30/5, tại Chi cục kiểm ngư số 3 (Chi cục kiểm ngư vùng II) đã tổ chức gặp gỡ động viên các thuyền viên tàu bị nạn.
Hương Thu