Dù chứng kiến những hậu quả kinh tế và xã hội nặng nề của hoạt động đánh bắt cá trái phép, chính phủ Guinea vẫn thất bại trong việc bảo vệ vùng biển do thiếu tiềm lực tài chính để triển khai các thiết bị giám sát, theo BBC.
"Chúng tôi từng kiếm được từ 700 USD đến 1.400 USD cho mỗi ngày đánh bắt", ngư dân Abdoulaye Souman nói khi đứng ở cảng Bonfi tại Conakry, thủ đô Guinea, nơi các ngư dân trở về cùng mẻ cá thu hoạch trong ngày.
Trước mắt người ngư dân 32 tuổi, những chiếc thuyền gỗ truyền thống nhiều màu sắc lướt trên mặt biển, nhiều người trên bờ đứng chờ trút đầy cá vào các chiếc giỏ sắp sẵn.
"Nhưng bây giờ, vì hoạt động khai thác chui ngày càng tăng, chúng tôi đánh bắt được càng ít. Mỗi chuyến đi biển chỉ thu được khoảng 140 USD vì không còn cá ở chỗ chúng tôi hay đánh bắt nữa", Souman tức giận nói.
Liên Hợp Quốc ước tính khai thác thủy sản bất hợp pháp khiến kinh tế thế giới thiệt hại 23 tỷ USD mỗi năm. Vùng biển ngoài khơi Tây Phi là nơi có cường độ đánh bắt trái phép cao nhất trên thế giới, theo thống kê của Quỹ Công lý môi trường (EJF). Khoảng 1/3 sản lượng đánh bắt trong khu vực này là trái phép, không được báo cáo hoặc không được giám sát, tổ chức này cho hay.
"Các tàu cá chui trên thực tế đang cướp của những người nghèo nhất hành tinh chỉ để đạt lợi nhuận ngắn hạn cho các chủ tàu giàu có", người đứng đầu EJF, Steve Trent cho biết.
Theo ông, quản lý yếu kém, nguồn lực hạn chế cộng với tham nhũng là nguyên nhân khiến vấn nạn đánh bắt cá trái phép ngày một trầm trọng, ví dụ điển hình là Guinea. Đây là nước duy nhất ở châu Phi bị cấm xuất khẩu cá sang châu Âu, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Với mức độ khai thác bất hợp pháp ngày càng cao, Liên minh châu Âu EU cho rằng chính phủ Guinea đã "không thực hiện những cam kết cần thiết để cải thiện tình hình".
Săn lùng loài cá đắt đỏ
Tại một chợ hải sản ở Conakry, Aboubacar Kaba, người đứng đầu Hiệp hội nghề cá địa phương, tóm lấy một con cá màu bạc có kích thước bằng cẳng tay từ chiếc xe tải đông lạnh.
"Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao nhất ở châu Á, cá đù vàng", ông nói, khẳng định đây là mục tiêu mà các tàu cá Trung Quốc săn lùng trên vùng biển Guinea. Cá đù vàng được liệt vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng và đã biến mất khỏi biển Trung Quốc do khai thác quá mức.
"Năm 2008, có khoảng 14 tàu cá Trung Quốc đến vùng biển này", Kaba nói. "Năm nay, con số này lên tới 500".
Theo tổ chức Hòa Bình Xanh, rất nhiều tàu cá trong số đó có lịch sử đánh bắt trái phép tại khu vực này. Vài năm trở lại đây, hàng trăm báo cáo về hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc được ghi nhận trên vùng biển Tây Phi.
Lợi dụng đại dịch Ebola
Nạn khai thác trái phép diễn tiến theo chiều hướng xấu khi Guinea đối đầu với virus chết người Ebola, theo điều tra của tổ chức Hòa Bình Xanh.
"Suốt thời gian dịch bùng phát, nước này phải tập trung toàn bộ nguồn lực để chống Ebola", Ahmed Diame, thành viên tổ chức Hòa Bình Xanh lý giải.
"Trong chiến dịch kéo dài một tháng đó, chúng tôi phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc ở Tây Phi khai báo sai trọng tải và gây nhiều thiệt hại, trong đó có tổn thất thu nhập của Guinea".
Hầu hết tàu cá Trung Quốc là những tàu sử dụng lưới quét, khai thác theo kiểu tận diệt và nằm trong danh sách cấm của nhiều vùng biển thế giới. Các con tàu này xới tung đáy biển, phá hủy các rạng san hô và bãi hàu, kéo theo tất cả trên đường đi của chúng.
"Khoảng 90% những gì khai thác lên bị vứt trả lại biển thường đã chết", trích báo cáo của tổ chức Hòa Bình Xanh. Điều này đồng nghĩa các quần thể cá của vùng biển Tây Phi sẽ nhanh chóng cạn kiệt sau các hoạt động hủy diệt này.
Đến tháng 6, khi dịch Ebola được chính phủ Guinea dập tắt, các tàu cá bất hợp pháp Trung Quốc vẫn được phát hiện.
"Đây là nơi chúng tôi nhìn thấy chúng, hoạt động chui lúc đêm muộn", Soumah cho hay khi cùng phóng viên BBC ngồi trên con thuyền gỗ ra vùng biển đánh bắt.
Giới hạn trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ là vùng biển dành riêng cho hoạt động đánh bắt thô sơ của những con thuyền gỗ nhỏ, nơi đánh bắt công nghiệp bị cấm để bảo vệ quần thể hải sản.
Thiếu nguồn lực bảo vệ biển
Quỹ Công lý Môi trường cho biết tổ chức này có bằng chứng cho thấy hoạt động đánh bắt bất hợp pháp vẫn tiếp diễn ở Guinea. Hòa Bình Xanh cũng triển khai một cuộc điều tra vào tháng 1 năm nay trên các vùng biển châu Phi như Mũi Verde, Mauritania, Gambia, Guinea, Guinea Bissau, Sierra Leone và Senegal. Thời gian điều tra kéo dài 3 năm là tiền đề đưa ra phân tích chi tiết nhất cho tình trạng đánh bắt trái phép, tổ chức này hy vọng.
Trong khi đó, vấn đề thiếu thốn nguồn lực vẫn là trở ngại rất lớn trong cuộc chiến chống khai thác cá trái phép tại Guinea. Thực tế này bộc lộ rõ ngay tại cơ quan quản lý hàng hải Conakry. Đằng sau phòng làm việc của chuẩn đô đốc, nhiều lính hải quân và cảnh sát biển ngồi giữa những thiết bị trông rất ấn tượng.
Đây là những thiết bị mới được nhập từ châu Âu, nhưng không thể sử dụng, theo chuẩn đô đốc. Ông cho biết phí sử dụng hệ thống vệ tinh để vận hành các thiết bị này tiêu tốn tới 11.000 USD mỗi năm, vượt quả khả năng tài chính của họ.
Mới đây, Guinea ký một hiệp ước chống đánh bắt trái phép, song vẫn còn quá sớm để nói trước hiệu quả của nó. Áp lực và hy vọng trong cuộc chiến này dồn lên vai Andre Lou, bộ trưởng vừa nhậm chức của Bộ Ngư nghiệp Guinea hồi đầu năm nay.
"Tôi rất lo sợ nếu chúng ta không thể chấm dứt nạn đánh bắt trái phép", ông thừa nhận. "Hậu quả trực tiếp của nạn đánh bắt trái phép là nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại và đó là lý do chính phủ tận dụng từng cơ hội để chứng minh rằng chúng tôi mong muốn chống lại hành động này, và tiếp tục cho tới khi xóa sạch việc khai thác trái phép trên vùng biển Guinea".
"Chúng tôi kiếm tiền từ việc ra khơi đánh bắt để cho con em đi học, nuôi nấng và trả tiền khám chữa bệnh cho chúng. Vì thế, nếu hoạt động khai thác bất hợp pháp ảnh hưởng trực tiếp tới ngư dân chúng tôi, nó sẽ tác động ra sao tới con em chúng tôi?" ngư dân Souman tự hỏi.
Xem thêm: Hàn Quốc sắp đưa 80 khối đá ngăn Trung Quốc đánh bắt cá trái phép
Thu Hiền