Khoang chứa mẫu vật Mặt Trăng của tàu Hằng Nga 6 đáp xuống khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc vào 13h07 ngày 25/6 theo giờ Hà Nội, theo Space. Tàu Hằng Nga 6 bao gồm 4 module là tàu đổ bộ Mặt Trăng, khoang vận chuyển mẫu vật, tàu bay quanh quỹ đạo và phương tiện phóng lên quỹ đạo (tên lửa nhỏ đi kèm tàu đổ bộ). Con tàu phóng hôm 3/5 và tới quỹ đạo Mặt Trăng 5 ngày sau. Hôm 1/6, tàu đổ bộ hạ cánh bên trong miệng hố Apollo nằm ở vùng trũng Nam Cực Aitken (SPA), một khu vực va chạm rộng 2.500 km ở vùng tối của Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ thu thập khoảng 2 kg mẫu vật mặt Trăng bằng xẻng xúc và mũi khoan. Mẫu vật quý giá này được chuyển sang phương tiện phóng lên quỹ đạo hôm 3/6 và ghép nối với tàu bay quanh quỹ đạo vài ngày sau. Tàu bay quanh quỹ đạo chở theo khoang chứa mẫu vật bay trở về Trái Đất vào ngày 21/6, theo NASA. Hành trình dài ngày của mẫu vật kết thúc vào ngày 25/6 khi khoang hồi quyển tiếp đất thành công.
Hằng Nga 6 không phải nhiệm vụ đưa mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất đầu tiên. Trước đó, Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc (nhiệm vụ Hằng Nga 5 năm 2020) đều đưa mẫu vật trở về từ vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Nhưng tất cả nỗ lực trước đó đều thu thập mẫu đất đá ở vùng sáng luôn quay về phía Trái Đất. Vùng tối rất khác biệt so với vùng sáng và khó thám hiểm hơn nhiều. Do vùng tối không thể quan sát từ Trái Đất, cần sử dụng vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với tàu vũ trụ hoạt động ở đó. Tính đến nay, Trung Quốc đã phóng hai vệ tinh chuyển tiếp. Vì vậy, vùng tối chưa được nghiên cứu nhiều, khiến giới khoa học vô cùng háo hức xem xét chi tiết mẫu vật của tàu Hằng Nga 6.
Mẫu vật mới có thể giúp giải đáp một số câu hỏi về lịch sử sơ khai của hệ Mặt Trời. Ví dụ, vùng trũng SPA hình thành 4,26 tỷ năm trước, vài trăm triệu năm sau phần lớn miệng hố Mặt Trăng tạo bởi các tiểu hành tinh và sao chổi trong suốt thời kỳ va chạm dữ dội gọi là Late Heavy Bombardment.
"Liệu SPA hình thành trong thời kỳ Late Heavy Bombardment hay là một sự kiện riêng biệt? Thông qua xác định niên đại chính xác của vùng trũng và những miệng hố bên trong đó, chúng tôi có thể hiểu rõ hơn lịch sử của Mặt Trăng, qua đó tăng cường hiểu biết về nguồn gốc sự sống trên Trái Đất", tổ chức phi lợi nhuận Planetary Society cho biết.
Hằng Nga 6 là nhiệm vụ thứ hai của Trung Quốc ở vùng tối Mặt Trăng tính đến nay. Tháng 1/2019, tàu Hằng Nga 4 đưa robot tự hành mang tên Thỏ Ngọc 2 hạ cánh và hoạt động ở vùng này. Chưa có quốc gia nào khác hạ cánh nhẹ nhàng tàu thăm dò ở vùng tối Mặt Trăng. Tiếp theo, Trung Quốc lên kế hoạch phóng tàu Hằng Nga 7 và 8 lần lượt vào năm 2026 và 2028, trong đó nhiệm vụ Hằng Nga 8 sẽ thử nghiệm công nghệ cần thiết để thiết lập căn cứ Mặt Trăng mà Trung Quốc dự kiến xây dựng gần cực nam giàu băng nước vào thập niên 2030.
An Khang (Theo Space)