Thông qua tín hiệu đo từ xa gửi về, cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) xác nhận tàu thăm dò Zhurong trong sứ mệnh Thiên Vấn 1 đáp thành công xuống khu vực Utopia ở phía nam Sao Hỏa lúc 7h18 phút (giờ Bắc Kinh) tức 6 giờ 18 phút (giờ Hà Nội). Thành công này đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai sau Mỹ có tàu vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa kể từ năm 1973.
Tàu đáp thành công sau sau "9 phút kinh hoàng" - cách NASA gọi cho khoảng thời gian mà các kỹ sư trên Trái Đất không thể kiểm soát hoặc giám sát máy dò vì sự chậm trễ của tín hiệu vô tuyến.
Tàu Thiên Vấn 1 có sứ mệnh mang theo một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một robot tự hành Zhurong, được phóng lên quỹ đạo tháng 7/2020.
Đến tháng 2/2021 tàu Thiên Vấn 1 đã đi vào quỹ đạo sao Hỏa sau hành trình gần bảy tháng xuyên không gian và dành hơn hai tháng để quét bề mặt hành tinh và tinh chỉnh các thiết lập cần thiết trước khi đổ bộ hạ cánh xuống phần phía nam của sao Hỏa.
Nhiệm vụ của Thiên Vấn 1 sau đó là phải rời quỹ đạo sao Hỏa, để tàu đổ bộ tách khỏi tàu bay theo quỹ đạo, đi vào khí quyển của sao Hỏa, mang theo robot tự hành hạ cánh. Robot sau đó sẽ nghiên cứu khí hậu, địa chất sao Hỏa bằng các camera, máy thăm dò và radar hiện đại.
Robot tự hành Zhurong là sứ mệnh đầu tiên của Trung Quốc lên sao Hỏa và hạ cánh thành công. Hành tinh này được biết đến với môi trường khắc nghiệt và đặc biệt là những cơn bão bụi cực mạnh, điều này là thách thức lớn, được coi là nguyên nhân khiến chỉ một nửa trong số các chuyến đi thành công.
Nghiên cứu viên của CNSA cho biết, việc hạ cánh trên sao Hỏa của Zhurong "khó hơn nhiều" so với cuộc thám hiểm mặt trăng của tàu Thỏ Ngọc của Trung Quốc năm 2013, vì khoảng cách lớn hơn so với Trái Đất khiến việc truyền vô tuyến trở nên khó khăn hơn.
Việc hạ cánh lên Mặt Trăng chủ yếu dựa vào động cơ tên lửa để giảm tốc do hành tinh này không có khí quyển, trong khi Zhurong giai đoạn đầu hạ cánh lên sao Hỏa sử dụng bầu khí quyển làm phanh. "Đây là bài kiểm tra lớn về cấu trúc và khả năng chịu nhiệt của tàu, yêu cầu chịu được những cú sốc dữ dội và nhiệt độ cực cao khi nó đi vào bầu khí quyển khắc nghiệt của sao Hỏa với tốc độ nhanh", nghiên cứu viên nói.
CNSA dự kiến để tàu Zhurong ở trên bề mặt sao Hỏa trong 90 ngày (ngày sao Hỏa- tương đương 93 ngày Trái Đất). Thành công này là nỗ lực thứ hai của Trung Quốc nhằm tiếp cận "hành tinh Đỏ" sau sứ mệnh sao Hỏa năm 2011 của tàu thăm dò Huỳnh Hoả 1 (Yinghuo-1).
Nguyễn Xuân (Theo SCMP)