Theo Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, con tàu đang hoạt động trong tình trạng tốt. Một số thiết bị trên tàu đã hoàn thành quá trình tự kiểm tra và gửi dữ liệu khoa học về trung tâm kiểm soát trên mặt đất. Tính đến ngày 28/8, tàu Thiên Vấn 1 đã bay khoảng 36 ngày trong hành trình từ Trái Đất tới sao Hỏa.
Thiết bị theo dõi thời gian thực trên tàu Perseverance cho thấy, tàu thăm dò của Mỹ đã bay quãng đường 67,5 triệu km. Khoảng cách chênh lệch gần 30 triệu km so với tàu Thiên Vấn 1 là kết quả do con tàu khởi hành muộn hơn một tuần.
Trung Quốc phóng Thiên Vấn 1, nhiệm vụ bay tới sao Hỏa đầu tiên của quốc gia này, vào ngày 23/7 từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương tại tỉnh Hải Nam, bắt đầu chương trình khám phá hành tinh. Hôm 27/7, con tàu gửi về bức ảnh chụp Trái Đất và Mặt Trăng chụp bằng cảm biến định vị quang học khi ở cách Trái Đất khoảng 1,2 triệu km. Đây là bức ảnh chụp đầu tiên từ tàu Thiên Vấn 1 được công bố.
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng lịch trình, tàu Thiên Vấn 1 nặng 5 tấn, bao gồm hai bộ phận quan trọng là tàu bay quanh quỹ đạo và trạm đổ bộ, sẽ bay hơn 470 triệu km trước khi bị hút bởi trường hấp dẫn của sao Hỏa vào tháng 2 năm sau. Mục tiêu cuối cùng của nhiệm vụ là đưa robot thăm dò đáp nhẹ nhàng xuống đồng bằng Utopia Planitia ở phía nam sao Hỏa vào tháng 5/2021 để khảo sát khoa học. Đây là đồng bằng nằm trong Utopia, bồn địa lớn nhất hình thành do va chạm trong hệ Mặt Trời.
Với trọng lượng khoảng 240 kg, robot thăm dò có 6 bánh và 4 tấm pin năng lượng Mặt Trời, có thể di chuyển 200 m mỗi giờ trên sao Hỏa. Robot trang bị 6 thiết bị khoa học bao gồm camera đa phổ, radar xuyên đất và thiết bị đo khí tượng. Theo dự kiến, robot sẽ tiến hành khám phá bề mặt sao Hỏa trong 3 tháng. Nếu cỗ máy tự động này vận hành tốt, nó sẽ trở thành robot tự hành thứ 5 được triển khai trên sao Hỏa, sau 4 robot đến từ Mỹ.
An Khang (Theo China Daily)