Con tàu do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hợp tác phát triển cùng với Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa vào 21h48 ngày 19/10 theo giờ Việt Nam, theo Science Alert.
Nếu tàu đổ bộ thành công, ESA và Roscosmos sẽ tiếp nối Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa thành công. Con tàu sau đó sẽ bắt đầu hành trình tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên bề mặt hành tinh đỏ.
Trong cuộc đổ bộ, một phần tàu vũ trụ sẽ bay vào quỹ đạo sao Hỏa và phần còn lại đáp xuống bề mặt hành tinh, cung cấp cho các nhà khoa học cơ hội thu thập dữ liệu về điều kiện ở bên trên và dưới mặt đất cùng lúc.
Theo kế hoạch, hôm 16/10, tàu vũ trụ ExoMars của Nga và châu Âu sẽ tách thành hai phần gồm thiết bị bay quanh quỹ đạo Trace Gas Orbiter (TGO) và thiết bị đổ bộ Schiaparelli. Nhiệm vụ của TGO tương đối dễ khi thiết bị chỉ cần bay vào quỹ đạo sao Hỏa.
Ngược lại, Schiaparelli cần ba ngày để chuẩn bị cho hành trình tiếp đất, sử dụng radar gắn trên thân thiết bị để đo độ cao so với bề mặt sao Hỏa, bắt đầu từ khoảng cách 7 km và sau đó khởi động thiết bị đổ bộ ở độ cao khoảng hai mét.
Mô phỏng quá trình thiết bị đổ bộ của Nga và châu Âu đáp xuống sao Hỏa
Ở khoảng cách này, tấm khiên chịu nhiệt phía trên và dưới Schiaparelli bung ra. Schiaparelli kích hoạt các cảm biến tiếp đất và sử dụng dù phanh, đồng thời khởi động ba động cơ đẩy hoạt động bằng nhiên liệu hydrazine để kiểm soát tốc độ hạ cánh.
Toàn bộ quá trình được xử lý bởi máy tính đặt trên tàu. Tất cả trình tự được lập trình trước, và Schiaparelli chỉ có một cơ hội duy nhất. Nếu góc hạ cánh chỉ hơi lệch, thiết bị sẽ bắt đầu rơi tự do với tốc độ siêu nhanh và bốc cháy trong bầu khí quyển sao Hỏa, hoặc bật khỏi khí quyển và văng vào vũ trụ.
Xem thêm: Tàu vũ trụ Rosseta kết thúc sứ mệnh, an nghỉ trên sao chổi
Phương Hoa