Với lợi thế ven biển, miền Trung có đội tàu đánh bắt cá rất lớn. Từ chiều qua và sáng nay, 7 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã cấm biển, tàu thuyền đang cánh cá được hướng dẫn nhanh chóng về nơi trú ẩn, trước khi bão đổ bộ vào chiều 18/9.
Ở cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành - một trong những nơi tàu thuyền ra vào lớn nhất tỉnh Quảng Nam, sáng nay ngư dân tấp nập đưa tàu vào trú tránh. Họ thả neo, dùng dây thừng buộc chặt tránh va đập khi gió bão. Những tàu vừa cập bờ đưa hải sản mới đánh bắt lên bán cho thương lái.
Ông Ngô Phê, trú xã Tam Hải, chủ tàu đánh bắt xa bờ, cho biết hai ngày trước khi nghe thông tin về cơn bão đã dừng công việc để vào cảng Kỳ Hà trú tranh. "Tôi cùng 12 thuyền viên đánh bắt được 15 tấn cá ngư sọc dừa, đã bán cho thương lái giá 22.000 đồng kg", ông nói.
Tại bãi biển xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, nơi có nhiều tàu thuyền đánh cá ven bờ, sáng nay ông Võ Thanh Tú cùng con trai dùng đòn gánh di chuyển chiếc thuyền của gia đình lên bờ trú tránh. Ngư lưới cụ được mang về nhà cất giữ. "Nếu bão vào sẽ gây ra sóng lớn đánh vào bờ, ghe thuyền bị cuốn trôi hoặc chìm nên phải đưa lên bờ", ông Tú giải thích.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết còn 318 với 3.725 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, 173 tàu đánh bắt xa bờ với 3.050 lao động, hoạt động ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa; 145 tàu với 702 lao động hoạt động ở vùng biển gần bờ.
Tại chợ cá ven biển thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, hàng trăm người hối hả đưa tàu nhỏ, xuồng máy, thúng lên bờ tránh bão. Công an địa phương, quân đội, biên phòng, quy tắc đô thị, dân phòng cũng có mặt hỗ trợ.
Ông Võ Đình Công, Chủ tịch phường Thọ Quang, cho biết nhiều năm qua, địa bàn không có bão nên người dân có tâm lý chủ quan. "Chúng tôi coi đây là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay để vận động, yêu cầu tất cả tàu, thuyền vào bờ trú tránh", ông Công nói. Nếu hộ gia đình và tàu thuyền không thực hiện đúng theo hướng dẫn phòng chống bão của chính quyền sẽ bị cưỡng chế, xử phạt.
Ở âu thuyền Thọ Quang, hàng trăm tàu lớn nối đuôi nhau vào neo đậu. Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đến nay đã có 615 phương tiện gồm tàu cá, ghe chèo, xuồng máy được neo đậu. Trong đó có 301 phương tiện của Đà Nẵng và 314 tàu cá của các tỉnh.
Tương tự, hôm nay tàu đánh bắt xa bờ nối đuôi nhau qua cửa biển Thuận An, vào neo đậu ở cảng cá, các âu thuyền Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tàu thuyền cỡ nhỏ được ngư dân chạy vượt đập ngăn mặn Thảo Long vào sông Hương tránh trú bão. Các tàu neo đậu sát nhau, dùng dây thừng lớn buộc vào cây, trụ bê tông ở ven bờ.
Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế cho hay, toàn tỉnh có 659 tàu thuyền khai thác biển, trong đó 390 tàu xa bờ, còn lại là tàu cỡ trung, cỡ nhỏ. Từ chiều 16/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển liên lạc đài trực canh để thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Quảng Ngãi cũng có lượng tàu rất lớn, đến sáng nay còn 701 tàu với 6.120 lao động hoạt động ở các vùng biển. Cơ quan chức năng đã giữ liên lạc với các tàu để hướng dẫn tránh trú bão, ứng phó các tình huống. Hiện đã có 1.166 tàu thuyền của tỉnh và các tỉnh bạn đang tránh, trú bão tại các cảng neo trú tàu.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch huyện Lý Sơn cho biết, hiện ở âu thuyền An Hải và An Vĩnh có 600 tàu cá neo đậu. Trong 30 tàu cá ngoài khơi có 4 chiếc đã vào bờ, 26 chiếc đã vào các âu thuyền ở các đảo để trú bão. 48 lồng bé cá của người dân nuôi ở Tây cảng đã được kéo vào âu thuyền, cách nơi cũ vài trăm mét.
Sơ tán dân, chằng chống nhà cửa
Theo kịch bản, với bão cấp 10, giật cấp 13, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng sẽ sơ tán khoảng 1,1 triệu dân ở vùng trũng thấp, vùng cơ nguy cơ sạt lở, ngập lụt, cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn.
Trong đó, Thừa Thiên Huế dự kiến trước 19h hôm nay sơ tán 28.120 hộ dân với 106.610 nhân khẩu ở 9 huyện, thị xã. Trước 20h tối nay, Quảng Trị cũng sơ tán khoảng 94.000 dân ở các huyện ven biển, dự trữ 50.000 thùng mì, 300 tấn gạo đề phòng mưa bão gây ngập lụt, chia cắt.
Không nằm trong diện sơ tán, ông Hồ Văn Ba, 73 tuổi, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã cùng vợ và con trai xúc cát biển vào bao tải để gia cố căn nhà cấp bốn lợp xi măng nằm sát bãi tắm. "Không biết bão lớn hay nhỏ, song mình không được chủ quan. Việc chằng chống nhà cửa bằng bao cát sẽ thuận lợi và tốt hơn so với gạch bờ lô", ông Ba nói.
Trong khi đó, loa truyền thanh của thị trấn liên tục cập nhật diễn biến cơn bão, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa bằng bao cát, bờ lô, chặt tỉa cây xanh. Cán bộ thị trấn Thuận An chạy xe máy đến nhà dân hối thúc thực hiện.
Từng trải qua đợt ngập lụt lịch sử tháng 12/2018, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chủ động yêu cầu các cấp nạo vét cống rãnh; nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa; chuẩn bị sẵn phương tiện và nhân lực để nếu có tình huống cây đổ, nhà sập thì nhanh chóng ứng cứu, giải phóng hiện trường.
Các phường cũng lên phương án chuẩn bị sẵn nhà cao tầng, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học kiên cố để di dời dân khi cần thiết, tránh tình trạng "bão vào mạnh hơn dự báo thì trở tay không kịp".
Tại các công trình đang thi công, thành phố Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. Riêng các công trình đang thi công bằng tháp và cẩu phải hạ thấp độ cao.
Với đảo du lịch Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tàu đưa khoảng 300 du khách rời đảo và hai chuyến tàu đưa 150 hành khách từ đất liền về lại đảo.
Một số địa phương như Quảng Trị đang khẩn trương thu hoạch khoảng 1.000 ha lúa hè thu muộn ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Đăkrông, Hướng Hóa, trước khi bão vào.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 16h hôm nay, tâm bão ngay trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất 100 km/h, cấp 10, giật tăng hai cấp.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão tiếp tục theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h sáng mai, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 220 km, cách Quảng Trị khoảng 300 km, sức gió mạnh nhất 115 km/h, cấp 11. Với tốc độ 20-25 km/h, khoảng 14h ngày mai bão đổ bộ các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió 100 km/h, cấp 10, giật tăng hai cấp.
Từ sáng đến chiều mai, đất liền ven biển các tỉnh, thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12. Ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Noul được hình thành từ một vùng áp thấp ở vùng biển Philippines, sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sáng qua vào biển Đông, mạnh lên thành bão, cơn bão thứ năm ở biển Đông trong năm nay. Bốn cơn bão trước đó cường độ nhẹ, không gây nhiều thiệt hại.
Nguyễn Đông - Đắc Thành - Võ Thạnh - Phạm Linh - Hoàng Táo