Roboat có nhiều ứng dụng linh hoạt. Video: MIT
Các nhà khoa học đến từ Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo và Khoa học máy tính (CSAIL) thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Phòng thí nghiệm Senseable City, cộng tác với Viện giải pháp siêu đô thị tiên tiến Amsterdam (AMS) ở Hà Lan phát triển tàu thủy tự lái hoàn toàn cỡ lớn, hoạt động dọc hệ thống kênh đào tại Amsterdam từ ngày 28/10.
Dự án Roboat đã gặt hái nhiều thành công kể từ khi nhóm nghiên cứu lần đầu tiên bắt đầu chế tạo nguyên mẫu tàu nhỏ trong bể bơi ở MIT cuối năm 2015. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu công bố mô hình cỡ vừa lớn bằng một nửa kích thước thật với chiều dài hai mét. Con tàu thể hiện khả năng vận chuyển rất hứa hẹn.
Năm nay, hai tàu Roboats cỡ lớn hạ thủy, mỗi tàu có thể chở 5 người, thu thập rác thải, vận chuyển hàng hóa và cung cấp cơ sở hạ tầng theo nhu cầu. Roboat có kiểu dáng rất hiện đại, kết hợp hai màu đen, xám và ghế ngồi quay mặt vào nhau. Con tàu chạy hoàn toàn bằng điện, sở hữu bộ pin lớn bằng một chiếc hòm nhỏ, cho phép tàu hoạt động trong 10 giờ và sạc không dây.
"Hiện nay, chúng tôi đã đạt được độ chính xác và chắn chắn cao hơn về mặt nhận biết, định vị, hệ thống kiểm điều khiển, bao gồm những chức năng mới như chế độ tiếp cận ở khoảng cách gần và định vị động học, nhờ đó con tàu có thể tự di chuyển trên mặt nước trong điều kiện thực tế. Hệ thống điều khiển của Roboat điều chỉnh tùy theo số người trên tàu", Daniela Rus, giáo sư kỹ thuật điện và khoa học máy tính ở MIT kiêm giám đốc CSAIL, cho biết.
Để tự lái trên những con kênh đông đúc ở Roboat cần kết hợp định vị chuẩn, cảm biến và phần mềm điều khiển. Sử dụng định vị vệ tinh GPS, con tàu tự động quyết định lộ trình an toàn, đồng thời liên tục quét môi trường để tránh va chạm với các chướng ngại vật như cầu, cột và tàu bè khác.
Nhằm tự động xác định lộ trình thông thoáng và tránh đâm vào vật thể, Roboat sử dụng công nghệ LIDAR (phương pháp đo cự ly bằng tia laser) và một loạt camera 360 độ. Những cảm biến này được ví như "bộ nhận biết", cho phép Roboat hiểu rõ môi trường xung quanh. Ví dụ, phát hiện một vật thể chưa từng thấy như canoe, thuật toán sẽ gán nhãn "chưa biết" cho vật thể đó. Khi nhóm nghiên cứu xem xét dữ liệu thu thập được trong ngày, họ sẽ lọc vật thể và phân loại là canoe. Thuật toán điều khiển tương tự thuật toán sử dụng trên xe tự lái, hoạt động giống như thuyền trưởng ra lệnh cho người chèo thuyền, bằng cách truyền chỉ dẫn tới chân vịt.
Những camera nhỏ trên tàu hướng dẫn nó tới bến tàu hoặc tới chỗ tàu khác khi phát hiện mã QR. Hệ thống cho phép Roboat kết nối với tàu khác và với bến tàu để tạo thành cây cầu tạm thời giúp giải tỏa tắc nghẽn, theo Carlo Ratti, giáo sư ở Khoa nghiên cứu và quy hoạch đô thị (DUSP) của MIT kiêm giám đốc phòng thí nghiệm Senseable City.
Thiết kế của Roboat cũng rất linh hoạt. Nhóm nghiên cứu tạo ra mũi tàu với phần mũi có thể tách rời boong trên tùy theo trường hợp sử dụng. Roboat có thể thực hiện nhiệm vụ 24/7. Người vận hành trên bờ sẽ theo dõi Roboat từ xa từ trung tâm điều khiển. Một nhân viên điều hành có thể theo dõi hơn 50 tàu Roboat cùng lúc, đảm bảo hoạt động trơn tru.
An Khang (Theo Phys.org)