Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
"Sau khi hoàn tất một cách thành công chuyến chạy thử đầu tiên, tàu sân bay của Trung Quốc đã trở về xưởng theo kế hoạch để tiếp tục được làm mới và thử nghiệm", AFP dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. "Hôm nay, tàu sân bay này tiếp tục chạy thử để tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu liên quan".
Hồi tháng 8, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc mang tên Shi Lang dài 300 m và được làm mới từ vỏ tàu sân bay Varyag của Liên Xô cũ đã có chuyến chạy thử đầu tiên kéo dài 5 ngày.
Chuyến chạy thử lần này của tàu sân bay Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh tuyên bố tiến hành một cuộc tập trận hải quân thông thường tại Thái Bình Dương. Động thái này được đưa ra gần như ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Australia và thông báo kế hoạch điều 2.500 lính thủy đánh bộ tới đồn trú ở nước này.
Tin tức và hình ảnh về tàu Shi Lang đã rò rỉ từ lâu. Tuy nhiên, Trung Quốc năm nay mới thừa nhận việc làm mới hàng không mẫu hạm cũ mua được từ Ukraina vào năm 1998. Khi đó, Trung Quốc chỉ mua lại phần vỏ bọc thép mà không kèm động cơ, hệ thống điện và chân vịt.
Bắc Kinh liên tục khẳng định tàu sân bay này không mang lại một mối đe dọa nào đối với các quốc gia láng giếng, đồng thời cho hay Shi Lang được sử dụng chủ yếu cho các mục đích huấn luyện và nghiên cứu.
Tuy nhiên, ngay sau khi Trung Quốc cho tàu Shi Lang chạy thử lần đầu tiên trong tháng 8, các cường quốc khác như Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh giải thích về việc vì sao lại cần phải có một hàng không mẫu hạm.
Trung Quốc hiện có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới tính theo quân số. Các chương trình quốc phòng ít được hé lộ của nước này được hưởng lợi nhiều từ ngân sách quốc phòng khổng lồ và ngày một mở rộng, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc những năm qua. Trung Quốc đầu năm nay cho hay chi tiêu quân sự của nước này sẽ tăng 12,7 % để đạt mức 601,1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 91,7 tỷ USD) trong năm 2011.
Nhật Nam