Thông tin trên được ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, đưa ra trong thông cáo sau cuộc họp báo quốc tế chiều nay quanh việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt Nam.
Theo ông Thu, lực lượng bảo vệ giàn khoan HD-981 của Trung Quốc trong ngày 2 và 3/5 gồm khoảng 40 tàu các loại. Tính đến 12h ngày 7/5, Trung Quốc đã huy động lúc cao nhất 80 tàu. Trong số này có 7 tàu quân sự, gồm tàu Hộ vệ Tên lửa 534 và tàu Tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính cùng tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự còn vào cách đảo Lý Sơn từ 50 – 60 hải lý.
Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD-981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu.
Trong ngày 3 và 4/5, các tàu của Trung Quốc cố tình đâm vào hai tàu của cảnh sát biển Việt Nam, phun nước vào hàng chục tàu kiểm ngư cùng tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam, làm hư hỏng trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam.
Ngay trưa nay, tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, sử dụng máy bay trên không phận tàu CSB8003, nhằm uy hiếp tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.
Về phía Việt Nam, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã có mặt kịp thời tại hiện trường, tiến hành thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.
Tàu Việt Nam phát tín hiệu yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, phía Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc.
Ông Thu cho biết hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hành động này còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Ngoài ra, khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc gây mất lòng tin của hai nước và quốc tế.
Như Tâm