Tàu ngầm chiến đấu lớp Virginia USS North Carolina của Mỹ. Ảnh: Globalnation |
Chiếc tàu ngầm mang tên USS North Carolina cập cảng Subic của Philippines ngày 13/5 trong chuyến đi "thường kỳ" của con tàu, Trung tá Omar Tonsay, người phát ngôn Hải quân Philippines, cho hay. "Đây là chuyến đi bình thường và không liên quan gì đến bãi đá Scarborough", AFP dẫn lời ông Tonsay nói. Tàu USS North Carolina dự kiến sẽ rời Philippines vào cuối tuần này.
Scarborough, theo cách gọi của Philippines hay Hoàng Nham, theo cách gọi của Trung Quốc, là nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền và cử các tàu phi quân sự tới neo đậu trong vòng hơn một tháng trở lại đây. Bãi đá Scarborough/Hoàng Nham cách vịnh Subic của Philippines 234 km về phía tây. Subic từng là căn cứ quân sự lớn của Mỹ, sau đó Philippines đã mở cửa tự do và chuyển thành khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp nhẹ.
Trung Quốc và Philippines bắt đầu có căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham vào ngày 8/4, sau khi quốc đảo Đông Nam Á phát hiện 8 tàu cá của Bắc Kinh tại đây. Hai nước sau đó liên tiếp có những sự điều động tàu hải quân và máy bay quanh bãi đá mà cả Bắc Kinh lẫn Manila cùng tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng dâng lên cao độ khi truyền thông nhà nước của Trung Quốc ám chỉ khả năng chiến tranh có thể xảy ra vì căng thẳng tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Tuy nhiên, sau đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.
Cùng thời điểm Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa tuyên bố phủ nhận chuẩn bị chiến tranh với Philippines thì hàng trăm người dân Philippines cũng biểu tình phản đối Trung Quốc, yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Trung Quốc hiện có 3 tàu lớn, 7 tàu cá và 23 xuồng nhỏ ở khu vực này, trong khi Philippines chỉ có 2 tàu của Lực lượng Tuần tra Bờ biển, Cục Các tài nguyên biển và Nghề cá cùng 5 tàu cá.
Về phía Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nhấn mạnh nước này đang tìm kiếm một sự khởi đầu ngoại giao mới cho vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Philippines đề nghị đưa vấn đề này ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), nhưng Trung Quốc từ chối tham gia.
Vũ Hà