![]() |
Tàu Kursk tại căn cứ Hải quân Vidyaevo, 5/2000. |
Tàu ngầm hạt nhân chìm ở biển Barents hồi tháng 8 năm ngoái, cùng tất cả 118 thành viên thuỷ thủ đoàn. Nhiều quan chức cấp cao cho rằng nên để mặc con tàu yểu mệnh dưới đáy biển. Tuy nhiên, Kremlin tuyên bố việc trục vớt sẽ phải tiến hành, vì Tổng thống Vladimir Putin đã hứa với dân chúng.
Sau cuộc họp điều tra nguyên nhân hai vụ nổ phá hủy tàu Kursk, ông Klebanov tuyên bố trong tuần này Nga sẽ hoàn tất thảo luận với một tập đoàn các công ty quốc tế về việc tiến hành hoạt động trên.
Hiện Matxcơva chưa đưa ra lời giải thích về nguyên nhân chìm tàu. Tuy nhiên, theo uỷ ban của ông Klebanov, có ba giả thiết: va đụng vào tàu ngầm nước ngoài, va đụng vào mìn từ thời Thế chiến II và nổ một ngư lôi. Giả thiết cuối cùng được các nhà điều tra ủng hộ hơn cả.
Sự giúp đỡ của các công ty nước ngoài
Tàu Kursk nằm ở độ sâu hơn 100 m dưới biển. Người ta đã lấy ra được 12 thi hài hồi năm ngoái, nhưng không thể tiếp tục công việc, bởi điều kiện quá nguy hiểm.
Những công ty nước ngoài sẽ tham gia trục vớt bao gồm Smit Internationale, Heerena (hai công ty của Hà Lan), và chi nhánh công ty Halliburton của Mỹ ở Na Uy.
Theo Itar-Tass, việc trục vớt, được đem ra thảo luận tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Mikhail Kasyanov và các bộ trưởng hôm qua, sẽ bao gồm hai giai đoạn. Phần đầu của tàu ngầm, có mang các ngư lôi, sẽ được tách ra trước tiên.
Việc thiếu nguồn tài chính, ước tính từ 70 đến 80 triệu USD, đã trì hoãn việc vớt tàu. Tuần trước, ông Klebanov tuyên bố chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trang trải toàn bộ kinh phí, với sự trợ giúp của Quỹ tàu Kursk.
Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Matxcơva tuần này, Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ đề nghị cấp cho Nga hàng triệu USD, với điều kiện nước này ký hiệp ước xử lý chất thải hạt nhân. Trong đó, bao gồm các lò phản ứng hạt nhân trên những tàu ngầm không còn hoạt động và các thanh nhiên liệu đã sử dụng hết ở Bắc Nga và bán đảo Kola.
Minh Châu (theo Reuters, 15/5)