Những con tàu đang phân hủy bị sóng xô vào bờ biển nằm trong số 24 tàu vận chuyển của Nhật Bản bị Hải quân Mỹ bắt giữ vào giai đoạn cuối Thế chiến II và đánh đắm ngoài khơi bờ biển phía tây hòn đảo để tạo một bến cảng. Đảo Iwo Jima không có cảng hoạt động vào thời kỳ đó, vì vậy đội tàu đắm được thiết kế để trở thành đê chắn sóng bảo vệ tàu bè chở binh lính và vật tư cho quân đội. Quân đội Mỹ muốn tạo ra một căn cứ hải quân nhân tạo để hỗ trợ căn cứ chính trên đảo trước cuộc tấn công vào đất liền Nhật Bản. Kế hoạch sau đó bị lãng quên và những con tàu chìm xuống sâu xuống nước.
Trong vài năm gần đây, đáy biển ngoài khơi hòn đảo bắt đầu nhô lên do hoạt động địa chấn bên dưới núi Suribachi trên đảo, một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nhật Bản. Hình ảnh mới từ trên cao cho thấy hoạt động bên dưới đáy biển xung quanh đảo. Đáng chú ý nhất là đáy biển ở sườn phía tây hòn đảo nâng lên bởi hoạt động dưới lòng đất, khiến nhiều xác tàu bị đẩy lên bãi biển hình thành từ tro núi lửa của đảo.
Những con tàu đã hư hỏng nặng. Do không có cư dân sinh sống ở Iwo Jima bởi lượng lớn bom đạn chưa nổ nằm rải rác trên hòn đảo nằm trên hòn đảo rộng 2.071 hecta, chính phủ Nhật Bản không có kế hoạch di dời xác tàu. "Vùng biển khác màu đang lan rộng ra khu vực xung quanh, chứng tỏ hoạt động núi lửa vẫn chưa giảm bớt", Setsuya Nakada, giám đốc Trung tâm xúc tiến nghiên cứu núi lửa của chính phủ, cho biết.
Chính phủ Nhật Bản liệt kê núi Suribachi cao 169 m là một trong 10 ngọn núi nguy hiểm nhất ở nước này, nơi có 110 núi lửa đang hoạt động. Các chuyên gia dự đoán có khả năng một vụ phun trào lớn sẽ xảy ra ở Iwo Jima.
Toàn bộ quần đảo Nhật Bản trải qua hoạt động địa chấn tăng mạnh trong vài tuần gần đây với động đất 5,9 độ làm rung chuyển những tòa nhà tại Tokyo và miền đông Nhật Bản hôm 7/10. Đây là vụ động đất lớn nhất kể từ khi một trận động đất 9 độ và sóng thần phá hủy vùng đông bắc đất nước hồi tháng 3/2011.
An Khang (Theo Telegraph)