"Bluefin-21 đã thực hiện đầy đủ mọi nhiệm vụ tại khu vực tìm kiếm và đang được lên kế hoạch cho lần lặn tiếp theo", AFP dẫn nguồn Trung tâm Điều phối hoạt động tìm kiếm chuyến bay MH370 (JACC) cho biết hôm nay. "Chiếc tàu quét được khoảng 90 km2 đáy biển lần này và các dữ liệu đang được phân tích".
Khả năng làm việc tối đa của Bluefin-21 là 16 giờ dưới lòng đại dương. Trong 16 giờ này, con tàu tạo ra một bản đồ 3D có độ phân giải cao. Nó cần khoảng 4 giờ để di chuyển, cả đi lẫn về, rồi mất thêm 4 giờ nữa để tải và phân tích dữ liệu.
Thông báo của JACC không nhắc đến nguyên nhân trục trặc kỹ thuật khiến Bluefin-21 tự trở lại mặt nước sớm hơn dự định trong lần tìm kiếm hôm qua. Trước đó, tàu lặn không người lái này hai lần tự nổi lên. Các chuyên gia giải thích lý do của những lần tự nổi là vùng tìm kiếm sâu hơn khả năng hoạt động của Bluefin-21, tức là sâu hơn 4.500 m.
Con tàu vốn được lập trình sẵn mọi hoạt động nên sẽ tự hủy bỏ nhiệm vụ khi đi đến giới hạn và trở lại mặt nước để bảo đảm an toàn. Sau mỗi lần tự nổi, Bluefin-21 lại được điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện hoạt động. Các dữ liệu thu thập được ở hai lần lặn đầu không cho thấy dấu hiệu nào của MH370.
Bluefin-21 được triển khai sau khi chỉ huy JACC Angus Houston hôm 14/4 tuyên bố các hộp đen của máy bay MH370 đã ngừng phát tín hiệu. Con tàu dự kiến tập trung tìm kiếm dưới đáy biển, gần khu vực phát hiện các tín hiệu "ping" trước ngày 9/4. Hải quân Mỹ ước tính Bluefin-21 cần từ 6 tuần đến hai tháng để quét hết phạm vi tìm kiếm.
Cuộc tìm kiếm được tiếp tục hôm nay với 12 máy bay và 11 tàu tham gia rà soát khu vực có diện tích 40.000 km2 trên Ấn Độ Dương. Mẫu dầu thu được từ vệt dầu loang trong vùng tìm kiếm cũng vừa được đưa đến thành phố Perth, Australia, để phân tích.
Trần Trang