Theo AFP, Bluefin-21 mang theo thiết bị định vị siêu âm để vẽ bản đồ đáy biển được triển khai xuống Ấn Độ Dương vào đêm qua từ tàu Ocean Shield của Australia.
"Sau khi qua khoảng 6 giờ trong nhiệm vụ của mình, Bluefin-21 vượt quá giới hạn hoạt động ở độ sâu 4.500 mét và tính năng an toàn đã trả nó trở lại bề mặt. Dữ liệu được tàu thu thập trong 6 giờ đang được chọn lọc và phân tích", Trung tâm Điều phối hoạt động tìm kiếm MH370 (JACC) ở Perth, Australia, cho biết.
Trước đó, Bluefin-21 dự kiến hoạt động dưới đáy biển trong 16 giờ. Chỉ huy hải quân Mỹ Mark Matthews giải thích, con tàu đã đi quá giới hạn hoạt động được lập trình sẵn và tự động nổi lên mặt nước.
"Con tàu được lập trình để di chuyển 30 m dưới đáy đại dương nhằm vẽ được một bản đồ tốt về những gì ở phía dưới", ông nói, cho biết thêm các hải đồ nằm ở độ sâu 4.200 đến 4.400 m. "Nó đã lặn đến độ sâu 4.500 m và một khi đạt đến chiều sâu tối đa này, nó thông báo rằng quãng đường phía trước sâu hơn những gì được lập trình, vì thế nó hủy bỏ nhiệm vụ".
Theo ông Matthews, thủy thủ đoàn sẽ tinh chỉnh Bluefin-21 để đối phó với độ sâu mà nó tiếp cận.
Tàu lặn sẽ tiếp tục lần tìm kiếm thứ hai vào hôm nay, khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Dự kiến khu vực tìm kiếm cách Perth 2.170 km về tây bắc có gió đông nam và mưa rải rác, biển động, tầm nhìn xa 5 km.
Chỉ huy JACC Angus Houston hôm qua tuyên bố các hộp đen của máy bay MH370 đã ngừng phát tín hiệu và bắt đầu triển khai tàu lặn để tìm kiếm mảnh vỡ phi cơ dưới đáy đại dương.
Ban đầu, Bluefin-21 sẽ tập trung tìm kiếm trong phạm vi đáy biển có diện tích 40 km vuông gần khu vực phát hiện các tín hiệu trước đó. Tuy nhiên, con tàu di chuyển rất chậm, với mỗi nhiệm vụ kéo dài ít nhất 24 giờ.
Tàu lặn dài 4,93 m, nặng 750 kg, cần hai giờ để đến đáy biển, nơi nó quét chụp và tạo ra một bản đồ 3D có độ phân giải cao, rồi mất thêm hai giờ để nổi trở lại mặt nước. Việc tải và phân tích dữ liệu đòi hỏi thêm 4 giờ nữa.
Ông Houston nhấn mạnh rằng các chuyên gia phải mất đến gần hai năm mới trục vớt được các hộp đen ở độ sâu 3.900 m của chiếc máy bay Air France 447 gặp nạn trên Đại Tây Dương năm 2009. "Đây sẽ là một quá trình lâu dài và khó khăn", ông nói.
Anh Ngọc