Khi phân tích dữ liệu từ tàu vũ trụ Kepler, các nhà thiên văn phát hiện 20 hành tinh mới có thể tồn tại những điều kiện thích hợp cho sự sống, Fox News hôm nay đưa tin.
Tương tự Trái Đất, các hành tinh này cũng chuyển động quanh những ngôi sao trung tâm giống Mặt Trời. Mỗi hành tinh có chu kỳ quỹ đạo khác nhau, trong đó có hành tinh cần 395 ngày để quay hết một vòng quanh ngôi sao trung tâm và một hành tinh khác chỉ mất 18 ngày.
Hành tinh với chu kỳ quỹ đạo 395 ngày là một trong những ứng viên thú vị nhất, theo Jeff Coughlin, trưởng nhóm phụ trách tàu Kepler. Nó có kích thước bằng khoảng 97% Trái Đất nhưng lạnh hơn, gần giống vùng lãnh nguyên Bắc Cực.
Tuy nhiên, hành tinh này vẫn đủ ấm và đủ lớn để chứa nước dạng lỏng, yếu tố cơ bản góp phần hình thành nên sự sống. "Nếu phải tìm một nơi để gửi tàu vũ trụ đến thì đó là sự lựa chọn không tồi", Coughlin nói với New Scientist.
Đầu năm nay, tàu vũ trụ Kepler phát hiện 219 ứng viên hành tinh mới, trong đó 10 hành tinh có thể chứa sự sống. Các nhà khoa học đã quan sát được khoảng 4.034 ứng viên hành tinh tiềm năng trong dải Ngân hà, theo Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA.
Hành trình vĩ đại nhằm tìm kiếm các hành tinh giống Trái Đất đang gặt hái thành công mới nhờ tàu vũ trụ Kepler. Các nhà khoa học hy vọng tìm thấy những hành tinh đá với kích thước từ một nửa đến gấp đôi Trái Đất và có các điều kiện thích hợp cho sự sống.
Tàu Kepler được phóng lên và bắt đầu quan sát một khu vực cố định trong dải Ngân hà từ năm 2009 để tìm kiếm các hành tinh giống Trái Đất, nhưng do trục trặc kỹ thuật nên ngừng hoạt động năm 2013. Nhiệm vụ được tiếp tục vào năm 2014 và con tàu sẽ truyền dữ liệu đến năm 2018.
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học hy vọng con người có thể sớm định cư trên sao Hỏa, một hành tinh nằm ngay trong hệ Mặt Trời. Hồi tháng 9, tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng công bố kế hoạch đưa người lên sao Hỏa vào năm 2024.
Thu Thảo