Một tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: House of Japan |
Bộ Quốc phòng Philippines cho hay các tàu huấn luyện của lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản là JS Kashima (TV-3508), JS Shimayuki (TV-3513) và JS Matsuyuki (DD-130) sẽ đến Philippines vào ngày 28/5 và lưu lại đây trong 5 ngày.
Người phát ngôn Hải quân Philippines, tướng Omar Tonsay, cho biết tàu BRP Apolinario Mabini của nước này sẽ đón tiếp đội tàu của Nhật trên vùng biển ngoài khơi đảo Corregidor. "Chuyến thăm với các hoạt động huấn luyện chung sẽ làm tăng tình hữu nghị, hiểu biết và hợp tác giữa hải quân hai nước", Philippines Star dẫn lời ông Tonsay nói.
Chuyến thăm này của đội tàu Nhật diễn ra ngay sau khi tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina của Mỹ và hai tàu chiến INS Rana và INS Shakti của Ấn Độ tới cảng Subic của Philippines trong những tuần qua.
Quan chức quốc phòng Philippines cho biết tất cả chuyến thăm của các tàu kể trên là những chuyến thăm hữu nghị và thường kỳ và không liên quan gì đến tranh chấp và căng thẳng tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham giữa Philippines và Trung Quốc.
Trước đó, chính phủ Nhật cam kết sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra mới cùng với hai tàu chở hàng để tăng cường khả năng phòng vệ hàng hải và lãnh thổ cho quốc gia Đông Nam Á. Các tàu này sẽ được bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines.
Một bài xã luận của tờ Yomiuri Shimbun của Nhật cho biết nước này quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc và lo ngại sẽ xảy ra cuộc giao tranh trực tiếp vì bãi cạn kể trên. "Nhật Bản không thể đứng nhìn khi căng thẳng xảy ra. Hòa bình và ổn định ở khu vực ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) không chỉ quan trọng với các quốc gia Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của Nhật Bản", xã luận có đoạn.
Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh gia tăng từ đầu tháng 4 sau khi hải quân Philippines phát hiện 8 tàu cá của Trung Quốc tại bãi đá Scarborough/ Hoàng Nham. Sau đó, hai nước liên tiếp điều động tàu ngư chính hoặc tàu tuần tra và máy bay quanh bãi đá mà cả hai cùng tuyên bố chủ quyền.
Hiện trên khu vực bãi cạn tranh chấp, cả Trung Quốc và Philippines đều đã ban hành lệnh cấm đánh cá, trong đó lệnh của Trung Quốc bị nhiều nước liên quan phản đối. Giới quan sát từng đoán rằng các lệnh này sẽ giúp đôi bên cùng rút lui trong danh dự, nhưng cho đến nay chưa bên nào tỏ dấu hiệu sẽ thoái lui các tàu của mình.
Vũ Hà