Hệ thống đường sắt cao tốc tại Tokyo Metro vận chuyển đến 8 triệu lượt hành khách mỗi ngày. Doanh nghiệp của Nhật Bản này xếp thứ 3 trong top những công ty đường sắt lớn nhất thế giới xét về lượng hành khách phục vụ, số nhà ga, và tổng chiều dài đường ray - chỉ đứng sau New York và Paris. Với trách nhiệm vận hành trên quy mô khổng lồ như vậy, độ chuẩn xác về thời gian là vô cùng quan trọng.
Đúng giờ
Noboru Ishikawa, giám đốc PR của Tokyo Metro, cho biết ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp chính là hạn chế tối đa hoãn hủy chuyến. Theo ông Ishikawa, điều này tối quan trọng khi đề cập đến lượng hành khách khổng lồ sử dụng dịch vụ của công ty. Rất ít người sống tại Tokyo lái ôtô riêng đi làm.
"Tùy vào đường ray, trung bình các nhà ga cách nhau khoảng năm phút. Khoảng cách ngắn nhất từ ga này tới ga kia là một phút 50 giây vào buổi sáng trong giờ cao điểm", Ishikawa lý giải.
Giải thích về bí quyết đảm bảo lịch trình cho hành khách, ông Ishikawa cho hay: "Do làm việc với những công ty vận tải khác nhau, chúng tôi phải tự xử lý những vấn đề của riêng mình cũng như của đối tác. Nếu có vấn đề, mọi đoàn tàu đều bị ảnh hưởng. Khi cần thiết, chúng tôi cho một đoàn tàu chạy chậm lại phía sau, cũng như đoàn tàu trước đó. Chúng tôi cố gắng chia đều thời gian trì hoãn cho tất cả đoàn tàu đang chạy trên đường ray".
Thay đổi thói quen
Để tránh phải xử lý rắc rối, Tokyo Metro từng thực hiện những chiến dịch để ngăn chặn mọi vấn đề từ đầu. Khoảng hơn 10 năm trước, công ty này từng tung ra một chiến dịch thay đổi hành vi của hành khách. "Thời đó, chúng tôi chật vật vì lượng hành khách tăng chóng mặt từ 7h đến 10h sáng", ông Ishikawa nói.
Để giảm tải đám đông vào giờ cao điểm, công ty đưa ra ưu đãi để khuyến khích hành khách sử dụng tàu vào những giờ thấp điểm. Hajaoki, tên của chiến dịch, là một từ có nghĩa là "dậy sớm" trong tiếng Nhật. Theo đó, hành khách sẽ có thêm điểm tích lũy dựa vào số giờ họ đi tàu trước hoặc sau giờ cao điểm - tức càng đi sớm hoặc muộn so với giờ đi làm hoặc giờ tan tầm, họ càng thu về nhiều điểm.
Ví dụ, một khi bạn có 250 điểm trong khoảng một tháng tích lũy, bạn có thể tham gia chương trình xổ số với giải thưởng 10.000 yen, khoảng 90 USD. "Chúng tôi có thể thay đổi cách thức hoạt động. Nhưng, chúng tôi biết, khi mọi người có thể tiết kiệm tiền, họ sẽ thay đổi hành vi. Nếu không, mọi thứ sẽ thật khó khăn và chúng tôi đạt được ít mục tiêu hơn", Ishikawa nhận định.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải chạy chiến dịch giờ cao điểm này vào mọi thời điểm. Tokyo Metro chỉ thực hiện chương trình từ tháng 12 đến tháng 2. "Thời gian này mọi người mặc nhiều quần áo hơn, vì vậy các đoàn tàu sẽ đông đúc hơn. Ngay cả khi không có đông khách hơn, quần áo dày có thể khiến tàu nhanh chóng kín chỗ hơn - dẫn đến những tình huống nguy hiểm".
Phòng điều hành thực tế
Một chuyến thăm phòng điều hành là cơ hội để du khách có cái nhìn tổng thể về hệ thống đường ray của Tokyo Metro, với màn hình lớn nhất dành cho đoạn đường ray Tozai. Những con số màu đỏ gợi ý những chuyến nào có thể trễ, trong khi số màu xanh chỉ những con tàu đang đi trước lịch trình. Nhờ đó, những nhân viên kiểm soát có thể tính toán để chia đều thời gian trễ cho những con tàu khác nhau trên mỗi tuyến đường, phòng khi một đoàn chạy chậm. Những màn hình điện tử hiển thị thời gian chờ của hành khách trên từng đường ray.
"Thông thường, thời gian chờ không quá một phút. Nhưng những nhà ga ít khách hơn có thể có thời gian chờ khoảng 15 giây, một chỉ số bình thường trong ngày. Nhưng tại trung tâm Tokyo, điều đó thật không tưởng, bởi thời gian chờ thường là một phút", Ishikawa tiết lộ.
Thế vận hội Mùa hè
Tokyo Metro phải đối mặt với thách thức khi thủ đô của xứ sở mặt trời mọc sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2020 - sự kiện đã được dời sang 2021 vì Covid-19. Để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn này, các chuyên gia của công ty đã ghé thăm London từ năm 2015, bởi thành phố này tương đương với Tokyo.
Khác với London, hệ thống đường sắt cao tốc của Tokyo thiếu những tuyến đường không có rào chắn tại các nhà ga. Ông Ishikawa cho biết, theo tính toán, công ty cần ít nhất một làn không có rào chắn và một thang máy cho mỗi trạm dừng.
Một vấn đề khác chính là ngon ngữ. Dù huấn luyện bài bản cho nhân viên tại nhà ga, các chuyên gia vẫn lo ngại về khó khăn khi cung cấp thông tin cho hành khách. Để xử lý vấn đề này, chính quyền Tokyo đã thử nghiệm robot nói 4 thứ tiếng vào hoạt động tại quầy thông tin ở các ga tàu điện ngầm từ cuối năm 2018.
Bảo Ngọc (Theo Metro Magazine)
Xem thêm