Tàu Gribshunden bị chìm vào mùa hè năm 1495 trên đường đi từ Copenhagen đến Kalmar. Các thợ lặn thể thao phát hiện xác tàu vào thập niên 1970 nhưng mãi tới năm 2000, giới khảo cổ mới chú ý tới nó. Áp dụng phân tích ADN trên bộ xương, nhóm nghiên cứu xác định đó là một loài cá tầm Đại Tây Dương. Tàu Gribshunden bốc cháy và bị chìm, mang theo bộ xương của con vật xuống đáy biển Baltic trong hơn 500 năm.
Cá tầm Đại Tây Dương là loài cá tiền sử đã tồn tại hơn 120 triệu năm. Nó có phần mõm dài, cứng, đi kèm 4 râu thụ cảm ở hai bên miệng, khoang miệng mềm và không có răng. Nổi tiếng nhờ chất lượng trứng, cá tầm Đại Tây Dương không có vảy nhưng có 5 phiến xương giúp bảo vệ đầu và cơ thể. Con đực có thể nặng tới 41 kg trong khi con cái nặng 72,5 kg. Cá tầm có thể sống lâu hơn 60 năm. Cá đực chỉ trưởng thành sau ít nhất 10 năm tuổi trong khi cá gái mất gần 20 năm để thuần thục. Con cá tầm Đại Tây Dương lớn nhất trong lịch sử được bắt ở vịnh Chesapeake của Mỹ, dài hơn 4,2 m và nặng gần 370 kg.
Phát hiện cách đây 50 năm, xác tàu Gribshunden được bảo quản nguyên vẹn trong môi trường yếm khí có nồng độ muối cao ở biển Baltic. Việc vắng mặt hà đục gỗ giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội thu thập dữ liệu về cách hoạt động của những con tàu hoàng gia ở châu Âu cuối thời Trung Cổ. Theo tiến sĩ Stella Macheridis, nhà nghiên cứu ở Khoa Khảo cổ và Lịch sử cổ đại của Đại học Lund, ngay lần đầu tiên trông thấy bộ xương cá, họ đã lập tức biết nó thuộc loài cá tầm nhờ những phiến xương.
Bộ xương cá tầm là phát hiện khảo cổ rất hiếm gặp. Nhóm nghiên cứu cho rằng nó là biểu tượng của địa vị cao và quyền lực dưới thời Trung Cổ. Nó giúp các nhà khảo cổ thu thập thông tin qua trọng về chính trị, tôn giáo và kinh tế của châu Âu hàng trăm năm trước.
An Khang (Theo Ancient Origins)