Tên lửa rời mặt đất từ bệ phóng 39 của NASA vào 6h27 ngày 16/11 theo giờ Hà Nội, chở 4 phi hành gia vào quỹ đạo trên tàu Crew Dragon, sau đó trở về Trái Đất và đáp xuống tàu không người lái giữa Đại Tây Dương. Thay vì chở vật tư và thí nghiệm nghiên cứu, tàu Crew-1 Dragon của SpaceX vận chuyển phi hành đoàn gồm 3 phi hành gia NASA Mike Hopkins, Victor Glover, Shannon Walker và phi hành gia Nhật Bản Soichi Noguchi.
Trước buổi phóng, vấn đề gây lo ngại duy nhất là thời tiết. Biển động ở khu vực thu hồi tên lửa khiến lịch trình phải dời lại một ngày. Các kỹ sư quyết định bay muộn hơn 24 giờ để tàu không người lái "Hãy đọc chỉ dẫn" (JRTI) tới nơi đúng giờ.
NASA chọn SpaceX và Boeing làm các nhà cung cấp dịch vụ bay vũ trụ trong tương lai. Hai công ty này đang chế tạo tàu vũ trụ có thể chở phi hành đoàn an toàn theo hợp đồng có tổng trị giá 6,8 tỷ USD. Sau khi đi vào vận hành, tàu Crew Dragon của SpaceX và tàu CST-100 Starliner của Boeing sẽ trở thành các phương tiện chính để đưa phi hành gia vào vũ trụ.
Khác với chuyến bay thử lên ISS hồi tháng 5/2020 khi phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley mất 19 giờ để đuổi kịp ISS, Crew-1 cần khoảng 27 giờ để bắt kịp trạm vũ trụ trên quỹ đạo. Trong suốt thời gian đó, các phi hành gia có thể đi lại, ăn và ngủ. Tàu bay hoàn toàn tự động do được thiết kế để con người không phải can thiệp. Tuy nhiên, phương tiện vẫn có bảng điều khiển để phi hành gia sử dụng khi cần. Hopkins là chỉ huy nhiệm vụ, Glover là phi công trong khi Walker và Noguchi là chuyên viên.
Khoảng 9 phút sau khi cất cánh thành công, tầng đẩy đầu tiên của Falcon 9 hạ cánh xuống tàu không người lái (JRTI) của SpaceX ở trên biển Đại Tây Dương. SpaceX đang lên kế hoạch tái sử dụng tầng đẩy này trong chuyến bay chở người sắp tới, dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2021. Tàu Crew-1 sẽ ghép nối với trạm ISS vào 10h sáng ngày 17/11 theo giờ Hà Nội.
An Khang (Theo Space)