Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ thông báo, chuyến bay vào vũ trụ có phi hành đoàn đầu tiên của Ấn Độ dự kiến diễn ra vào quý IV năm 2024, Interesting Engineering hôm 28/12 đưa tin. Nhiệm vụ nhằm mục đích chứng minh khả năng du hành vũ trụ của con người bằng cách đưa phi hành đoàn ba người lên quỹ đạo cao 400 km trong ba ngày, theo Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO).
Chuyến bay vũ trụ có phi hành đoàn được gọi là "nhiệm vụ H1", dự kiến phóng lên nhờ tên lửa LVM3 của ISRO. Tên lửa đã được điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu của con người và hiện mang tên Human Rated LVM3. Nó gồm một hệ thống thoát hiểm phi hành đoàn (CES), hoạt động nhờ các động cơ rắn có tốc độ đốt cháy cao, có thể đưa phi hành đoàn đến nơi an toàn nếu xảy ra tình huống khẩn cấp trong lúc phóng hoặc bay lên.
Tàu vũ trụ bao gồm một module phi hành đoàn (CM) và một module thiết bị (SM) tương tự tàu Orion trong nhiệm vụ Mặt Trăng Artemis I của NASA. CM là không gian có thể ở được, gồm cấu trúc bên trong bằng kim loại điều áp và cấu trúc bên ngoài không điều áp với hệ thống bảo vệ nhiệt (TPS) nhằm giúp phi hành đoàn trở về Trái Đất an toàn. CM cũng sẽ chứa các hệ thống hỗ trợ sự sống, điện tử hàng không và giảm tốc, trong khi SM có hệ thống năng lượng, hệ thống đẩy, điện tử hàng không và các cơ chế triển khai.
Do an toàn của phi hành gia được đặt lên hàng đầu, các chuyên gia lên kế hoạch thực hiện hai nhiệm vụ thử nghiệm phương tiện trước H1 để kiểm tra khả năng của hệ thống thoát hiểm phi hành đoàn và hệ thống giảm tốc bằng dù trong các điều kiện bay khác nhau.
Hai nhiệm vụ thử nghiệm không chở người mang tên G1 và G2, dự kiến diễn ra vào quý IV năm 2023 và quý II năm 2024. Trong khi đó, nhiệm vụ H1 sẽ diễn ra vào quý IV năm 2024. Phi hành đoàn ba người được lựa chọn từ Không quân Ấn Độ và đang tham gia khóa huấn luyện đặc biệt tại thành phố Bengaluru.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)