Tàu Thiên Châu 4 rời bệ phóng. Video: Xinhua
Tên lửa Trường Chinh 7 chở tàu vũ trụ không người lái Thiên Châu 4 cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam phía Nam Trung Quốc vào 1h56 ngày 10/5 theo giờ Hà Nội. Tàu chở hàng này sẽ ghép nối với Thiên Hà, module lõi của trạm Thiên Cung, khoảng 6,5 giờ sau khi phóng. Tàu Thiên Châu 4 dài 10,6 m chở hàng nghìn cân vật tư cho nhiệm vụ có người lái Thần Châu 14 sắp tới cùng với nhiên liệu đẩy và thiết bị thí nghiệm khoa học. Tàu Thần Châu 14 chở 3 phi hành gia sẽ phóng tới module Thiên Hà dài 16,6 m trong tháng 6 trên tên lửa Trường Chinh 2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi.
Phóng vào tháng 4/2021, module Thiên Hà đã tiếp nhận tàu chở hàng Thiên Châu 2 và Thiên Châu 3 cùng với phi hành đoàn Thần Châu 12 và Thần Châu 13. Bộ ba phi hành gia trong nhiệm vụ Thần Châu 13 đã quay trở về Trái Đất vào tháng 4 năm nay sau khi lập kỷ lục 6 tháng trong vũ trụ.
Thiên Châu 4 là nhiệm vụ thứ 6 trong 11 nhiệm vụ nhằm hoàn thành trạm vũ trụ Trung Quốc. Module thứ 2 và thứ 3 của trạm mang tên Vấn Thiên và Mộng Thiên sẽ kết hợp với module Thiên Hà vào cuối năm nay trong nhiệm vụ Thần Châu 14 để tạo thành tổ hợp hình chữ T trên quỹ đạo. Điều này sẽ biến Thần Châu 14 thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong lịch sử bay vũ trụ của Trung Quốc. Phi hành đoàn Thần Châu 14 sẽ trải qua 6 tháng trên trạm vũ trụ.
Các phi hành gia trong nhiệm vụ Thần Châu 14 và Thần Châu 15 sẽ ở cùng nhau trên module Thiên Hà trong thời gian ngắn vào cuối năm nay. Tàu vũ trụ và tên lửa Thần Châu 14 đã sẵn sàng bay từ tháng 10 năm ngoái để đề phòng trường hợp khẩn cấp trên trạm vũ trụ.
Năm sau, Trung Quốc cũng lên kế hoạch phóng một kính viễn vọng tương tự Hubble, có thể ghép nối với trạm vũ trụ để sửa chữa và bảo dưỡng. Trạm Thiên Cung sẽ nặng bằng 20% so với Trạm Vũ trụ Quốc tế. Sau khi hoàn thiện, trạm sẽ mở cửa đón phi hành gia nước ngoài và thậm chí du khách vào cuối thập kỷ này.
An Khang (Theo Space)