"Tạm biệt, như chúng tôi thường nói", Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm nay đăng trên Twitter cùng hình ảnh con tàu chở 69 container rác thải rời cảng Subic, bắt đầu chuyến hành trình dài tới Canada.
Con tàu chở các container rác này thực hiện hành trình sau cuộc đối đầu ngoại giao giữa Philippines và Canada. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày càng có quan điểm quyết liệt hơn đối với nguy cơ quốc gia này trở thành "bãi rác" của các nước phát triển.
Theo tổ chức môi trường EcoWaste, 103 container chứa khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt không thể tái chế được một công ty nhập từ Canada vào Phillippines trong giai đoạn 2013-2014. Rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn tại một bãi rác ở Philippines, nhưng các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo.
Philippines đã nhiều lần phản đối bằng biện pháp ngoại giao đối với Canada sau một phán quyết của tòa án Philippines năm 2016 rằng Ottawa phải nhận lại số container chứa rác. Căng thẳng càng tăng cao sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 4 tuyên bố: "Hãy chiến đấu với Canada. Tôi tuyên chiến với họ" và đặt hạn chót 15/5 để Ottawa nhận lại số rác.
Canada từ chối tiếp nhận các container rác, lập luận chính phủ nước này không hậu thuẫn hoạt động xuất khẩu số rác này sang Philippines, mà đây là những giao dịch thương mại dân sự. Philippines phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ từ Ottawa về nước. Người phát ngôn của Duterte, Salvador Panelo, gia tăng áp lực bằng cách nói Manila sẽ tự chuyển rác trở lại và đe dọa đổ chất thải vào vùng biển Canada.
Trước những áp lực ngoại giao liên tiếp từ Philippines, Canada hôm 21/5 cho biết chính phủ nước này đã ký hợp đồng trị giá 1,14 triệu USD với công ty vận tải Pháp Bollare Logistics để vận chuyển về nước 69 container rác đang nằm tại cảng Subic, Philippines suốt 6 năm qua.
Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna hoan nghênh việc Philippines trả lại rác. "Chúng tôi cam kết với Philippines và chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với họ", McKenna nói với các phóng viên hôm 30/5.
Vài ngày trước đó, Malaysia cũng tuyên bố sẽ trả lại 450 tấn rác thải nhựa cho các nước Mỹ, Australia, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Arab Saudi. Trung Quốc cũng nhận phần lớn nhựa phế liệu từ khắp thế giới trong nhiều năm qua, song Bắc Kinh quyết định dừng hoạt động này từ năm ngoái trong nỗ lực làm sạch môi trường.
Huyền Lê (Theo AFP)