Reuters dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay việc di chuyển qua khu vực trên của tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur ngày 21/10 là một hoạt động "thường xuyên, hợp pháp, không có tàu hộ tống và không xảy ra sự cố nào".
Con tàu đã đến gần hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, và bị 3 tàu Trung Quốc theo dõi, nhưng tất cả tương tác giữa hai bên đều diễn ra an toàn. Tàu không vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo.
Đây là lần thứ tư Mỹ điều tàu đến Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong năm qua và là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5. Trong ba lần trước, các tàu chiến Mỹ đều đi vào khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo và khiến Trung Quốc tức giận.
Trung Quốc ngang nhiên áp đặt chủ quyền với hầu hết Biển Đông bằng yêu sách "đường lưỡi bò", bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng, cộng đồng quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài ở Hà Lan hồi tháng 7.
Mỹ chỉ trích hoạt động củng cố các cơ sở quân sự trái phép của Trung Quốc ở vùng biển này và bày tỏ lo ngại rằng chúng có thể hạn chế hoạt động tự do hàng hải.
Trung Quốc có một đường băng và đã lắp đặt các tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, nơi nước này hiện diện nhiều nhất ở quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối và đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động trái phép tại đây, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Xem thêm: Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tuần tra trái phép ở Hoàng Sa
Anh Ngọc