![]() |
Xác tàu Cheonan hiện được trưng bày ở căn cứ chỉ huy hải quân Pyongtaek. Ảnh: hankyore |
Theo trang tin tức Hàn Quốc Hankyore, ghiên cứu trên được công bố cuối tháng 8 trên tạp chí "Vật lý lý thuyết và vật lý ứng dụng". Đây là nghiên cứu khoa học thứ hai về vụ đắm tàu Cheonan được công bố trên một tạp chí học thuật, sau nghiên cứu đầu tiên năm ngoái.
Trong nghiên cứu mới, giám đốc Viện Địa chấn Hàn Quốc Kim So-gu và ông Yefim Gitterman thuộc Viện Địa vật lý Israel đã công bố những phân tích về sóng nổ, sóng âm dưới và trên mặt nước cho thấy một vụ nổ mạnh dưới nước đã xảy ra.
Theo họ, cường độ địa chấn của vụ nổ là 2,04, tương đương 136 kg thuốc nổ TNT và tương đương với một lượng lớn mìn bị hải quân Hàn Quốc bỏ lại dưới biển sau khi chúng được cài đặt lần đầu hồi những năm 1970. Qua đó, hai nhà khoa học đã kêu gọi tái điều tra nguyên nhân vụ chìm tàu.
Những nghiên cứu này trái ngược với kết quả của Nhóm Điều tra Dân-Quân sự phối hợp (MCMJIG) năm 2010 với kết luận nguyên nhân gây chìm tàu là một ngư lôi CHT-02D của Triều Tiên với sức công phá tương đương 250 kg TNT khi nổ ở độ sâu 6-9 m, dẫn đến địa chấn có cường độ là 1,5.
MCMJIG cũng từng tính đến khả năng vụ nổ gây ra do mìn khi cho biết sau năm 1985, hải quân Hàn Quốc đã quyết định bỏ lại mìn ở dưới đáy biển. Tuy nhiên, MCMJIG cho rằng sức nổ của mìn tương đương 136 kg TNT không thể cắt đôi thân tàu Cheonan ra làm hai ở độ sâu 47 m.
Ngày 26/3/2010, tàu chiến Cheonan gặp nạn ở biển Hoàng Hải làm chết 46 thủy thủ. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ việc này nhưng Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ. Tám tháng sau, Triều Tiên nã pháo lên đảo tiền tiêu của Hàn Quốc ở gần vùng biển tranh chấp làm chết 4 người. Quan hệ liên Triều tiếp tục bị đẩy lên mức căng thẳng cao độ. Hàn Quốc từ đó tăng cường các cuộc tập trận riêng và chung với Mỹ, đồng thời củng cố lực lượng quân sự trên các đảo tiền tiêu.
Anh Ngọc