Bộ Ngoại giao Indonesia hôm nay cho biết đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Jakarta Xiao Qian sau khi trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh hải táng trên tàu cá treo cờ Trung Quốc. Video cho thấy một nhóm đàn ông thắp hương khấn vái trên tàu, sau đó thả một túi đựng thi thể màu cam xuống biển.
Đoạn video được cắt ra từ một phóng sự được đài truyền hình MBC của Hàn Quốc phát sóng hôm 5/5. Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia chưa đưa ra bình luận sau khi đại sứ bị triệu tập.
Trong cuộc họp báo hôm nay, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận 4 thủy thủ Indonesia đăng ký làm việc trên tàu cá Long Xin 629 của Trung Quốc đã qua đời. Một thủy thủ đó có tên viết tắt là EP qua đời tại Trung tâm Y tế Busan của Hàn Quốc hôm 27/4. Một thủy thủ khác có tên gọi tắt là AR chết trên tàu cá Tian Yu 8 của Trung Quốc hôm 30/3. Hai người còn lại chết trên tàu Long Xin 629 hồi tháng 12/2019.
"Hôm 26/4, đại sứ quán Indonesia ở Seoul được thông báo rằng công dân EP bị ốm. Khi họ liên lạc với EP, ông cho biết đã bị khó thở trong một thời gian dài và ho ra máu", Retno nói. "Trung tâm Y tế Busan thông báo ông này chết vì viêm phổi".
Ngoại trưởng Retno cho biết thủy thủ AR bị ốm từ hôm 26/3 và được chuyển từ tàu Long Xin 629 sang tàu Tian Yu 8 để đưa vào bờ chữa trị. Tuy nhiên, AR chết trên đường về cảng và được hải táng vào sáng 31/3.
"Theo đại sứ quán, tàu này đã thông báo với gia đình AR và được họ cho phép tiến hành hải táng hôm 30/3", bà nói.
Hai thuyền viên Indonesia trên tàu Long Xin 629 chết vì bệnh truyền nhiễm vào tháng 12/2019 cũng được an táng theo cách này, bà Retno cho biết.
Retno cho hay bà đã hỏi đại sứ Xiao Qian để làm rõ liệu việc chôn cất được thực hiện trên biển có phù hợp quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay không và các điều kiện không phù hợp trên tàu có liên quan đến các trường hợp tử vong hay không.
Việc triệu đại sứ diễn ra sau khi các nhóm nhân quyền cáo buộc chủ tàu cá Trung Quốc ngược đãi và bóc lột thủy thủ. Tổ chức Công lý Môi trường (EJF), một nhóm bảo vệ môi trường có trụ sở tại Anh, cáo buộc một số thủy thủ phải làm việc 18 giờ nhưng được trả công chưa tới một USD mỗi ngày và những người bị bệnh không được đưa vào bờ lập tức để điều trị y tế.
"Nhóm ủng hộ luật pháp vì lợi ích công cộng (APIL) và EJF đang kêu gọi một cuộc điều tra khẩn cấp của chính quyền Trung Quốc và quốc tế về hành vi của đội tàu này", EJF cho hay.
Huyền Lê (Theo Reuters)