Theo Discovery News, FlyShip là phương tiện được thiết kế để bay lượn trên mặt nước, với tốc độ lên tới 250 km/h. Nó có sải cánh dài 40 m, không gian bên trong đủ sức chứa 100 người.
"Tàu của chúng tôi di chuyển phía trên lớp đệm không khí. Lớp đệm này được tạo ra bởi luồng không khí thổi trực diện phía dưới đôi cánh nhờ cánh quạt, giúp thân tàu bay lên", Daniel Schindler, kỹ sư chế tạo FlyShip, cho biết.
Khi đạt tốc độ cất cánh, FlyShip chuyển sang chế độ lướt trên mặt nước giống như một con chim và có thể gập cánh. Cách di chuyển này giúp FlyShip giữ ổn định trên những con sóng, giảm thiểu các triệu chứng thường gặp trên biển như say sóng.
Một ưu điểm khác của FlyShip là tiết kiệm nhiên liệu. Tàu sử dụng gần 270 lít nhiên liệu mỗi giờ. Trong khi đó, máy bay phản lực tiêu tốn 3.300 lít/giờ. Chi phí sản xuất ra thế hệ FlyShip tiếp theo (FS-100) vào khoảng 37 triệu USD, thấp hơn nhiều so với chi phí chế tạo trung bình của máy bay phản lực Airbus A318 là 72 triệu USD.
Sau thử nghiệm, công ty FlyShip, Đức, thông báo rằng họ sẵn sàng đưa sản phẩm mới vào hoạt động thương mại. FlyShip thu hẹp khoảng cách giữa việc vận chuyển bằng tàu (giá rẻ nhưng chậm) và di chuyển bằng đường hàng không (nhanh nhưng đắt tiền). FlyShip sẽ trở thành phương tiện dẫn đầu về vận tải biển tốc độ cao trong tương lai. Nó cũng có thể được sử dụng để giám sát quân sự hoặc chống cướp biển.
Lê Hùng