Đó là chia sẻ của độc giả nick name NVT sau khi nghe tin đường sắt Việt Nam có thêm đôi tàu '5 sao' SE7/8 với mức đầu tư 65 tỷ đồng. Tuy tàu được nâng cấp nhưng giá vé không tăng, tuyến Sài Gòn - Hà Nội có giá từ 542.000 đồng đến 1.547.000 đồng mỗi vé, tuỳ loại chỗ.
Sự việc này đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả gửi về VnExpress. Nhiều người không hài lòng về cách phục vụ trước đó của đôi tàu SE3/4 cũng được nâng cấp với thiết bị và dịch vụ trên tàu đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao khi đưa vào hoạt động.
'Dù có nâng cấp cỡ nào thì nhà cấp 4 vẫn là cấp 4'
Đó là lời góp ý của độc giả Tranhung. "Chất lượng nội thất của tàu chỉ là loại thường, mất nhiều thời gian di chuyển nhưng giá vé lại quá đắt", độc giả Cuong Phu bình luận.
"Tôi cho rằng, nếu chúng ta vẫn dùng khổ đường ray cũ thì có cố nâng cấp cũng chỉ vậy thôi. Tốc độ không thể nâng lên được, tải cũng khó nâng, giá vé thì chẳng có sức cạnh tranh tẹo nào. Chúng ta cần phải có chiến lược kết nối với mạng đường sắt toàn cầu", tài khoản Thích Đủ Thứ góp ý.
"Khi nào giá vé còn 500.000 đồng và đặt vé kiểu máy bay thì tôi sẽ đi. Với mức giá này, tôi vẫn chọn máy bay", độc giả Trung Viet chia sẻ.
Trong khi ấy, thành viên Trần Thế Phong mạnh dạn nhận định: "Từ Sài Gòn về Nha Trang vé ngày thường giường nằm đã gần 500.000 đồng, không rẻ hơn máy bay thì cạnh tranh nỗi gì, trong khi máy bay chỉ mất có gần hai tiếng?".
Còn độc giả Minh Quang tâm sự: "Hôm rồi tôi đi từ Vinh ra Hà Nội, trên tàu cũng gọi là chất lượng cao (400 ngàn đồng/vé/tầng một) mà chất lượng chán kinh khủng, toa xuống cấp, nhà vệ sinh hôi hám, ồn ào, chăn mỏng trong khi thời tiết quá lạnh".
Bạn đọc Phong_spern đưa ra quan điểm: "Vấn đề là giá vé và để mua được vé thật sự rất khó khăn. Tôi muốn mua 8 vé đi từ Sài Gòn ra Nha Trang vào cuối tuần thì gần như không có, còn ngày tết sắp tới thì khỏi bàn. Nhưng dù sao, tăng chất lượng như dịch vụ như vậy cũng là một điểm cộng cho ngành đường sắt".
"Tàu SE7 tôi chưa đi, nhưng năm trước tôi đi SE3 thì đúng là nhiều sao. Sao mà giá vé cao thế? Sao mà phục vụ kém thế? Sao mà nhà vệ sinh bẩn kinh khủng thế? Sao mà nhiều ghế phụ thế? Sao mà đồ ăn dở thế?", bạn đọc Vũ Hào bức xúc.
'Đi tàu sợ nhất toilet'
Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh trên tàu cũng được khá nhiều người quan tâm. "Trang thiết bị quan trọng nhưng phong cách phục vụ 5 sao thì bao giờ nhà tàu mới đạt được, đặc biệt khu vực nhà vệ sinh?", bạn đọc Cong Hai nói.
"Quan trọng không phải là mấy sao mà là giữ chất lượng để nó không xuống cấp. Các đôi tàu S1, 2, 3, 4 cũng được nâng cấp chưa lâu, nay đã xập xệ gần hết. Cửa không kéo được, toilet không đóng được, nhiều toa tiếng va chạm dưới gầm ầm ầm không ngủ được", thành viên Quán chia sẻ.
Người dùng có tên Silver.seraph nhận xét: "Dù có là tàu ngàn sao từ Nhật hoặc Mỹ mang về Việt Nam chạy thì vẫn bẩn thôi. Nguời đi tàu quá bẩn, quá vô ý thức, bất kể giàu hay nghèo.
"Chụp hình quảng cáo thì 5 sao, còn có đi tàu mới biết, nhất là tàu Tết, vé mua khó, giá tăng gấp 3 lần. Trong toa, người nằm, ngồi cả dưới sàn. Xa quê nhớ bố mẹ chờ tới ngày tết được nghỉ về thăm, mà mỗi khi nghĩ tới cảnh đi tàu xe thật nản. Tôi ước mơ một ngày nào đó sẽ được đi tàu cao tốc", độc giả Thoitrangfunny tâm sự.
Còn bạn đọc Bình cho rằng: "Các nhà ga cần phải có vài cái máy bơm nước, cống lọc xả nước thải để nhân viên cọ rửa toa tàu tại các trạm dừng chân hoặc mỗi chuyến đi, chứ không chỉ là quét dọn, lau sàn thay chăn, gối, đệm. Đi tàu không tránh khỏi tiếng ồn nhưng nhà vệ sinh thì rất hôi, không ai chịu nổi".
Ngoài ra, cũng có rất nhiều độc giả góp ý cho ngành đường sắt tiếp tục nâng cấp đôi tàu SE7/8
Độc giả Hai Thuy, người thường xuyên đi tàu Sài Gòn - Vinh cho rằng: "Ngành đường sắt dù đã có cải thiện, nhất là cặp tàu SE3/4 chạy đúng giờ, sạch sẽ, phục vụ có chu đáo hơn chút nhưng với khổ đường ray cũ hiện nay, tốc độ không cải thiện thì khó mà thu hút được người dân".
Còn bạn đọc Chuyên - đi tàu 14 năm, thường xuyên đi tuyến Hương Phố (Hà Tĩnh - Hà Nội) nhận xét: "Ngành đường sắt đã có cải tiến với mức độ tạm chấp nhận được hơn trước rất nhiều, chúng ta không thể đòi hỏi thay đổi một cách chuyên nghiệp ngay lập tức được. Vì nhân viên phục vụ vẫn là những người đó, thay đổi nhân sự không nhiều, họ đã chịu thay đổi như bây giờ đã là tốt lắm rồi.
Còn về phía các lãnh đạo thì cần phải quán triệt mạnh mẽ về thái độ làm việc của nhân viên trực tiếp trên tàu, vì họ là những người mang điểm về cho đường sắt. Nhiều nhân viên ga tàu vẫn còn giọng hách dịch, không tôn trọng khách hàng".
>> Xem thêm: 'Xẻng' xe máy giúp giảm nguy cơ tai nạn, cướp giật
Nắn làn các cửa ngõ Hà Nội để tránh tắc đường
Các tuyến đường Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng và Tôn Đức Thắng... nên được phân thành ba làn và sử dụng dải phân cách cứng. |