"Nếu chúng ta không có thêm những tín hiệu, chúng ta sẽ phải theo đuổi một khu vực tìm kiếm khá rộng dưới đáy đại dương, và việc đó sẽ mất rất nhiều thời gian. Đó là công việc rất lâu và vất vả", Reuters dẫn lời ông Angus Houston, trưởng cơ quan Australia phụ trách điều phối cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370, hôm nay nói.
Sau khi thiết bị dò tìm hộp đen của tàu Ocean Shield hồi cuối tuần qua phát hiện hai tín hiệu trùng khớp với tín hiệu hộp đen phát đi, nỗ lực bắt thêm những tín hiệu "ping" mới đến nay chưa thành công.
Ông Houston cho hay cuộc săn lùng kéo dài một tháng ở Ấn Độ Dương đang ở giai đoạn nguy cấp, khi pin bộ phận phát tín hiệu của hộp đen đã ở mức cạn kiệt vì tuổi thọ chỉ kéo dài khoảng 30 ngày.
Một phương tiện lặn không người lái (AUV) có tên Bluefin-21 đang ở trên tàu Australia Ocean Shield, và có thể được triển khai để tìm xác máy bay dưới đáy biển, tuy nhiên việc thu hẹp vùng tìm kiếm là điều cấp thiết, ông Houston nói.
"Đó là một vùng rộng lớn đối với một thiết bị lặn nhỏ chỉ có thể tìm ở một khu vực hẹp, và tất nhiên, nó sẽ bò khắp đáy đại dương. Đó là lý do vì sao điều quan trọng là phải nhận thêm một tín hiệu nữa và chúng ta cần tiếp tục cho tới khi hoàn toàn không có khả năng thiết bị phát tín hiệu được nữa", ông Houston nói thêm.
Bluefin sẽ lùng sục đáy đại dương bằng sóng siêu âm nhằm tìm máy bay, trước khi giới chức tải về và phân tích những phát hiện của nó trên tàu Ocean Shield. Vùng tìm kiếm tiềm năng ở độ sâu 4,5 km, vượt quá phạm vi của Bluefin.
Chuyến bay của hãng Malaysia Airlines chở theo 239 người mất tích khi đang bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Quá trình tìm kiếm hiện tập trung ở khu vực nam Ấn Độ Dương nhưng chưa thu được kết quả khả quan.
Trọng Giáp