Các nhà nghiên cứu ở Đại học Plymouth tại Anh lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch hạ thủy một tàu nghiên cứu tự động nặng 5 tấn vào năm 2015, dự kiến ra khơi tại Anh và đến Plymouth, Massachusetts, Mỹ. Dự án thu hút nhiều đối tác trên toàn cầu, bao gồm Nvidia, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ProMare và IBM, nhằm xây dựng mẫu tàu 3 thân dài 15 m và lắp đặt nền tảng AI Captain cùng với 6 camera, 15 hệ thống máy tính cao cấp, hơn 30 cảm biến, công nghệ định vị và trạm khí tượng. Tất cả dường như đều thuận lợi để ra khơi vào cuối năm 2020. Mayflower đã trải qua nhiều thử nghiệm kéo dài trên biển trước nỗ lực vượt Đại Tây Dương vào năm sau đó.
Vào tháng 6/2021, con tàu không người lái khởi hành nhưng phải hủy giữa chừng chỉ sau 3 ngày chạy ở tốc độ trung bình 13 km trên quãng đường 833 km do vấn đề ở hệ thống đẩy lai điện mặt trời và diesel của tàu. Một đánh giá từ xa xác định không thể sửa chữa trục trặc ở máy phát mà không có sự can thiệp của con người, vì vậy tàu Mayflower đã quay trở lại căn cứ.
Quá trình sửa chữa được tiến hành và tàu khôi phục thử nghiệm trên mặt nước vào tháng 9 năm ngoái. Lịch trình chạy qua Đại Tây Dương dời sang mùa xuân năm 2022. Vào sáng sớm ngày 27/4, tàu Mayflower khởi hành lần nữa từ bến tàu Turnchapel ở Plymouth trong hành trình 3 tuần tới Mỹ. Thay vì đến Plymouth, Massachusetts, như dự kiến ban đầu, lần này con tàu hướng tới Virginia và sau đó là Washington.
Tuy nhiên, máy phát tiếp tục gặp vấn đề kỹ thuật vào ngày 6/5. Trung tâm chỉ huy tại Plymouth quyết định điều tàu tới Horta ở quần đảo Azores, để tìm hiểu và sửa chữa. Sau khi chờ hai hệ thống áp suất thấp đi qua, trung tâm chỉ huy tiến hành khởi động lại từ xa và tàu tiếp tục hành trình. Quãng đường hơn 3.200 km còn lại diễn ra thuận lợi cho tới khi vấn đề ở mạch nạp điện của pin máy phát được phát hiện vào ngày 28 - 29/5. Tàu Mayflower chuyển hướng tới Halifax ở Nova Scotia, Canada, sau đó, cập cảng hôm 5/6.
An Khang (Theo New Atlas)