Vợ chồng tôi đều bàn tay trắng ở quê ra Hà Nội học hành, bươn chải, xuất phát điểm rất khó khăn. Tuổi trẻ của tôi cũng như các sinh viên khác có hoài bão, ước mơ, nhưng sau đó một số việc không được như ý nên tôi bất mãn và lãng phí rất nhiều năm tuổi trẻ vào rượu chè, nhậu nhẹt và cả cờ bạc nữa. Mãi tới khi lập gia đình và có con, tôi mới bắt đầu tu chí lại từ đầu.
Vợ tôi gần 40 tuổi, do trình độ, bằng cấp không cao nên phải xin cho vào làm công việc hành chính ở một cơ quan nhà nước, dù thu nhập thấp nhưng đổi lại có nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc, đưa đón con cái học hành. Kinh tế trong nhà chủ yếu do tôi tự cày cuốc, gánh vác. Dù vất vả, áp lực nhưng tôi không bao giờ lăn tăn gì vì xác định đó là nghĩa vụ làm chồng làm cha của mình. Nhưng vì tính chất công việc vốn dĩ bận bịu, hơn nữa để có thêm chi phí trang trải cuộc sống cho gia đình nên ngoài công việc hàng ngày ở cơ quan, tôi thường phải nhận thêm việc để làm, kể cả buổi tối lẫn cuối tuần. Vậy nên không giúp được gì nhiều cho vợ từ việc nhà cho đến đưa đón con đi học. Nhưng may mắn là có bà ngoại ở cùng trông cháu và hỗ trợ việc nhà rất nhiều.
Tôi luôn cố gắng hết sức lo kinh tế để vợ con không thiếu thốn thiệt thòi. Nói chung vợ chồng việc ai nấy làm, mục tiêu là cho các con được ăn học, phát triển đàng hoàng, đầy đủ. Nhưng có một số vấn đề hai vợ chồng bất đồng quan điểm mà tôi không chấp nhận được. Tuy nhiên vợ lại cho là tôi quá khắc nghiệt, khắt khe, luôn cho rằng tôi tước đi quyền tự do dân chủ của vợ.
Cụ thể là những việc như sau: Nhà tôi có đứa cháu trai (cháu tôi) mới tốt nghiệp đi làm và đang ở cùng. Vợ chồng tôi quyết định cho cháu ở cùng vì mới đi làm, muốn giúp cháu có chỗ ăn chỗ ở để đỡ phát sinh các chi phí, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy mà lo cho tương lai, mọi chi phí ăn ở chúng tôi lo hết. Chúng tôi ở chung cư có hai phòng ngủ, trong nhà còn có bà và các con nhỏ. Bình thường bà ngủ một phòng, vợ chồng tôi ngủ một phòng, các con có hôm ngủ với chúng tôi hôm ngủ với bà, hôm thì chia ra ngủ đều hai bên.
Cháu trai trải đệm ngủ ở phòng khách, chỗ ngay trước cửa phòng ngủ của vợ chồng tôi. Vậy mà vợ tôi đi ngủ có khi không đóng cửa, thậm chí lúc thay đồ cũng không thèm đóng cửa... khiến tôi phải nhắc xa nhắc gần rất nhiều lần rằng dù gì trong nhà còn có trai trai, là thanh niên mới lớn. Vợ tôi lại bảo phòng ngủ là chỗ riêng tư, không ai vào nên không sao. Phòng ngủ của chung cư nếu không đóng cửa thì đi qua cửa có thể nhìn thấy quá nửa những gì trong phòng.
Quần áo thì vợ luôn chọn lựa loại hớ hênh mặc trong nhà. Khi mặc những cái áo cổ rộng thùng thình cũng không thèm mặc áo con, cứ thả rông (dù vòng một chẳng có gì). Tôi góp ý thì bảo mặc áo con đau tức ngực, về nhà chỉ muốn bỏ ra... Hàng ngày nhà tôi ăn cơm ngồi chiếu chứ không phải ngồi bàn, nhưng khi ngồi ăn cơm, vợ luôn mặc váy hoặc chọn mua mấy loại quần sóc ngắn nhưng rộng ống, hở cả quần nhỏ. Vấn đề này xảy ra ngay cả khi thỉnh thoảng chúng tôi đến nhà bạn bè ăn tối (toàn ngồi chiếu). Tôi góp ý với vợ là vào những dịp như thế này nên mặc quần thay vì mặc váy, lúc ngồi ăn lẫn lúc đứng lên ngồi xuống vừa bất tiện vừa vô duyên. Vợ em bảo váy dài tới mắt cá chân, còn có quần váy bên trong rồi, làm gì hở ra tí gì đâu mà sợ.
Có hôm, bà ngoại và bọn trẻ con về quê, tôi đi làm thêm, ở nhà có mỗi vợ và cháu trai. Cháu chơi game trong phòng ngủ của bà ngoại, vợ tôi mặc loại quần đùi 5-7 cm nằm trên ghế sofa phòng khách học tiếng Anh trên ứng dụng, cửa phòng khách mở tênh hênh. Tôi về thấy thế bảo vô duyên thì vợ em nói là "một mình thì ngồi thế cho đỡ mỏi cổ, có người là em ngồi dậy ngay, có sao đâu". Tôi thấy luận điệu này chẳng khác gì việc đàn bà con gái tụt váy giữa đường, khi nào gặp người mới kéo lên.

Minh họa: AI
Khi đi làm, vợ luôn phấn son đỏ choét, tôi góp ý là trang điểm nên nhẹ nhàng chứ đậm và lòe loẹt thế làm gì, đẹp chẳng thấy đâu chỉ thấy thêm gớm ra. Vợ bảo: "tôi không đánh phấn bao giờ, chỉ có bôi kem chống nắng loại nâng tông sáng, chỉ đánh tí son môi thôi, mặt mộc, lông mày không kẻ không xăm, môi không xăm nên tô tí son đi làm cho tươi tắn thì làm sao". Rồi váy vóc thì luôn có xu hướng chọn những loại màu sắc lòe loẹt, diêm dúa, có cái ngắn nửa đùi... Thỉnh thoảng tôi nói vợ là có nhu cầu mời gọi, mồi chài ai hay sao mà phải ăn mặc kiểu rẻ tiền đó. Thấy mấy chị bạn đi phẫu thuật thẩm mĩ, vợ có ý bắt chước. Tôi quan điểm không động đến chuyện đó, đẹp chẳng thấy đâu, hậu quả về sau khôn lường.
Những lúc bất đồng quan điểm và cãi nhau, vợ vì bắt thóp được việc tôi thương bọn trẻ con và muốn có một gia đình trọn vẹn cho chúng nó, với cả còn bố mẹ đang sống, tôi không muốn làm buồn lòng các cụ nên hay nói giọng thách thức rằng nếu tôi không chịu được, hãy giải thoát cho cô ấy. Trong khi đó, những gì tôi đang nói và cố gắng làm chỉ làm sao để vun vén cho gia đình con cái. Ngày trước, cô ấy chính là người bất chấp để theo đuổi tôi.
Quan điểm của tôi thì phụ nữ dĩ nhiên là phải làm đẹp, biết ăn diện nhưng tùy vào lứa tuổi, môi trường làm việc mà chọn lấy gu và phong cách ăn mặc, trang điểm sao cho phù hợp. Trang phục lúc đi làm khác với lúc đi chơi, lúc đi chơi bình thường khác với lúc đi ăn tiệc hoặc dạ hội, đi chơi ở chỗ này khác với đi chơi ở chỗ kia... Mấy chuyện sơn móng tay móng chân, tôi không bao giờ ủng hộ những tông màu lòe loẹt, phản cảm. Tóc tai, tôi vẫn luôn ủng hộ việc vợ cắt uốn ủ cho chỉn chu, đẹp đẽ nhưng không bao giờ đồng ý việc bôi nhuộm đỏ xanh này nọ.
Thế nên thỉnh thoảng khi xảy ra sự việc, tôi hơi khó chịu và nặng lời, nhiều khi công việc, cuộc sống nhiều áp lực sẵn rồi, nói vợ không nghe còn cãi lại nên tôi tát vợ vài lần... Thật sự tôi nghĩ nếu vợ mà là người có ý thức và hiểu chuyện, khắc tự có ý thức trong mấy chuyện này và biết cách xử lý phù hợp chứ không để tôi phải góp ý dù chỉ một lần chứ không nói gì đến việc phải nhắc nhở nhiều lần thế này. Mong mọi người cho ý kiến chia sẻ một cách khách quan. Xin chân thành cảm ơn.
Hải Sơn
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.