Việc thu gom, vận chuyển chất thải do Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 10 (Urenco 10) thực hiện. Chất thải được chuyển bằng xe đặc chủng, do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Viện Hóa học quân sự (Bộ Tư lệnh Hóa học) phun tẩy xe, đảm bảo không gây ô nhiễm, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội, cho biết chiều 1/10.
Khu vực đổ chất thải ở bãi rác Nam Sơn được trải bạt với diện tích 600 m2. Bên trên bạt có một lớp than hoạt tính, bột lưu huỳnh, sau đó đổ chất thải cao không quá 3 m và rải một lớp than hoạt tính... rồi mới đổ lớp chất thải khác lên. Việc đổ thải được lập nhật ký, giám sát hàng ngày, Bộ Tư lệnh Hóa học, Urenco 10 và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xác nhận.
Tại hiện trường vụ cháy, ông Thái cho biết Bộ Tư lệnh Hóa học đã hoàn thành việc tẩy độc khu vực 1 với diện tích 2.500 m2, dự kiến hoàn thành khu vực 2, 3 trước ngày 8/10. Sau khi hoàn tất thu gom, xử lý chất thải và tẩy độc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trưng cầu giám định độc lập để báo cáo thành phố và công bố cho người dân về chất lượng môi trường khu vực bị ảnh hưởng của vụ cháy.
Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra lúc 18h ngày 28/8, đến 3h30 ngày 29/8 mới được dập tắt hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.
Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.
Hai tuần sau vụ cháy, nhà chức trách công bố nguyên nhân sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng (đèn led) bên trong tầng 2 kho bán thành phẩm, sau đó lan ra xung quanh.
Võ Hải