Hồi tốt nghiệp phổ thông trung học, cũng như bao học sinh khác cùng trường, tôi hăm hở làm hồ sơ để thi vào đại học. Giờ nhớ lại những năm 1990 ở quê tôi hồi đó mà cảm thấy buồn cười.
Tôi học rất tốt các môn xã hội, còn tự nhiên thì chỉ ở mức kha khá. Vậy mà khi làm hồ sơ thi đại học, tôi cứ nộp vào những trường khối A, bởi giáo viên chủ nhiệm của tôi dạy Toán rất giỏi. Trong mắt bọn trẻ chúng tôi hồi ấy, ai nấy cũng ngưỡng mộ và muốn được như thầy.
Nếu ngày xưa có nhiều thông tin như bây giờ thì chắc tôi sẽ chọn thi vào những trường mà năng lực của mình là thế mạnh. Nhưng cũng vì mù tịt thông tin nên tôi đã thi vào đại học Sư phạm Hà Nội bằng chính sở đoản khối A. Tất nhiên là tôi đã trượt ngay từ năm đầu.
Sau khi thi trượt, tôi quay sang học nghề đầu bếp và song hành với nó là ngoại ngữ. Đến đây thì tôi bỗng nhận ra mình có năng khiếu học ngoại ngữ rất tốt. Mặc dù chỉ học ở trung tâm, nhưng sau 9 tháng tôi đã có thể nói khá trôi chảy, kể cả giao tiếp với người nước ngoài.
Vậy là sau khi trượt đại học, tôi đã có trong tay một nghề cùng với vốn ngoại ngữ kha khá. Quay lại hỏi thăm mấy cậu bạn cùng lớp khi xưa, thì tôi được biết có mấy người đã vào đại học và đang học năm đầu. Có bạn đã đi nghĩa vụ, còn đa phần là đang ngồi nhà ôn thi để tiếp tục năm thứ hai.
Công cuộc kiếm việc của tôi buổi đầu cũng khá vất vả. Tôi bắt tay vào làm đủ thứ nghề, từ tạp vụ, chạy bàn trước khi được chính thức trở thành đầu bếp. Nhưng tôi không bao giờ nản, vẫn tích luỹ được khối kinh nghiệm khi đi làm những việc đó.
Tôi vẫn có thu nhập chính đáng, dù không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải cho cuộc sống của mình, vì thật lòng mà nói, nếu không làm vậy thì tôi cũng chẳng có nguồn phụ cấp nào từ gia đình.
Sang năm thứ hai, rồi thứ ba, khi bạn bè tôi có đứa mới chập chững vào đại học sau vài năm thi trượt hoặc những bạn đỗ năm đầu vẫn còn chưa tốt nghiệp thì tôi đã có thu nhập rất cao từ công việc làm bếp. Lúc này tôi bắt đầu nghĩ đến việc nâng cao trình độ của mình.
Tôi học thêm đại học tại chức tiếng Anh, học thêm tin học và các khoá học quản lý, kỹ năng giao tiếp, marketing... Nói chung là tôi chỉ chú ý học những gì trọng tâm nhất có thể hỗ trợ mình trong công việc chứ không học lan man.
Từ một đầu bếp chỉ biết nấu ăn trong khách sạn, do giỏi tiếng Anh nên tôi nhanh chóng được các sếp nước ngoài trọng dụng. Trong tính toán giá thành và quản lý đầu ra, đầu vào, tôi có trình độ vi tính nên làm nhanh hơn rất nhiều những đầu bếp chỉ tự làm thủ công.
Trong công việc quản lý, tôi phát huy được những kỹ năng từ các khoá học quản lý ngắn hạn nên việc điều hành bộ máy dưới quyền khá dễ dàng. Thiết nghĩ, nếu học ở trường đại học chưa chắc tôi đã có đủ những kiến thức như vậy.
Sau 10 năm làm việc, dù được hưởng mức lương cao ngất ngưởng nhưng tôi vẫn xin nghỉ việc và lập công ty riêng. Giờ đây, tôi đã có hẳn một công ty dạy nghề bếp nổi tiếng ở Hà Nội và kinh doanh rất hiệu quả từ chính những kinh nghiệm trường đời và những khoá học trọng điểm trong kinh doanh mà tôi đã trải qua.
Các học viên của trung tâm sau khi tốt nghiệp, tôi đều hướng các em đi theo con đường mà tôi đã từng bước qua, vì thế, hầu hết các em ấy đều có việc làm.
Mỗi năm, trung tâm tôi cung cấp khoảng 300 đầu bếp xuống các chuỗi nhà hàng lớn ở Hà Nội. Đi đâu tôi cũng bắt gặp những gương mặt học trò mình đang có việc làm ổn định. Chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp, rất nhiều em gọi điện thông báo với tôi là đã mở được quán, thậm chí nhà hàng nhỏ.
Vậy tại sao cứ phải vào đại học mà không biết chúng ta đang học cái gì và ra trường sẽ làm gì? Đây là một thách thức không nhỏ mà các nhà làm giáo dục cần phải tìm được lời giải đáp.
>> Xem thêm: 'Lương kỹ sư xây dựng 800 USD là bình thường'
Vì sao nhiều thạc sĩ đi làm phụ hồ
Người ta không trả tiền lương cho bằng cấp hay học thức mà là từ hiệu quả công việc. |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống tại đây.