Reuters cho biết đây là lần đầu tiên một thiết bị định vị hộp đen công nghệ cao của Hải quân Mỹ được huy động tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích. Theo các nhà chức trách Australia, thiết bị định vị Towed Pinger Locator sẽ được tàu hải quân Australia HMAS Ocean Shield kéo theo phía sau, quét tìm trong phạm vi 240 km cùng với tàu thăm dò thủy văn HMS Echo của Anh.
"Việc tìm kiếm dưới mặt nước sẽ bắt đầu ở khu vực mà máy bay có khả năng đi vào cao nhất", Angus Houston, cựu tư lệnh không quân Australia, chỉ huy cơ quan phối hợp tìm kiếm, nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo thiết bị định vị của Hải quân Mỹ có thể không phát huy tác dụng trừ khi nhà điều tra đưa ra vị trí chính xác của máy bay mất tích. Nguyên nhân là khi được kéo sau tàu, thiết bị này sẽ bị hạn chế tốc độ cũng như phạm vi bao quát dưới lòng đại dương.
Houston cho biết thêm việc tìm kiếm dưới nước này không ảnh hưởng tới hoạt động tìm kiếm trên mặt biển. "Đây là khu vực rộng lớn, khá hẻo lánh. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm trên mặt biển. Tôi nghĩ khả năng phát hiện vật gì đó trên mặt biển là khá cao. Có nhiều thứ của máy bay sẽ nổi lên. Trong cuộc kiếm tìm trước đó, chúng tôi đã tìm thấy áo phao cứu sinh có thể liên quan đến MH370".
Cuộc tìm kiếm hôm nay có sự tham gia của 14 máy bay và 9 tàu của nhiều nước, quần thảo trên diện tích hơn 220.000 km vuông ở Ấn Độ Dương. Tàu ngầm hạt nhân HMS Tireless của Anh và tàu khu trục của Malaysia dự kiến sẽ đến khu vực này vào ngày mai để tham gia tìm kiếm.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm qua cùng người đồng cấp Australia Tony Abbott đến thăm căn cứ Pearce, nơi diễn ra hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay. Ông Najib thề "sẽ không ngơi nghỉ" cho đến khi số phận của chuyến bay MH370 được làm sáng tỏ, trong khi Australia gọi chiến dịch tìm kiếm phi cơ mất tích này là khó khăn nhất trong lịch sử.
Khánh Lynh