![]() |
Tiến sĩ Hoàng Phước Hiệp. |
- Ông có thể cho biết kết quả của việc rà soát văn bản pháp luật?
- Việc rà soát được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ ngành triển khai từ tháng 3/2002. Cho đến 26/9 vừa rồi, giai đoạn một đã kết thúc. Tổng số văn bản trong nước đã rà soát là 263 (trong đó có 28 luật, 24 pháp lệnh, 64 nghị định, 58 thông tư), vẫn còn hiệu lực và liên quan trực tiếp với quy định trong 16 hiệp định của WTO. Trong số này có 52 văn bản chưa phù hợp với WTO. Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị sửa đổi bổ sung số văn bản quy phạm pháp luật đó và ban hành mới 42 văn bản khác.
- Những văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi bổ sung và ban hành mới thuộc những lĩnh vực nào?
- Có 4 lĩnh vực lớn. Thứ nhất là thương mại hàng hóa, quy định hiện hành đã tương đối phù hợp với luật chung của WTO, nhưng chưa phản ánh đầy đủ nghĩa vụ của các nước thành viên. Thứ hai là sở hữu trí tuệ, luật của Việt Nam là tương đối đủ, nhưng cơ chế thực thi các quyền nghĩa vụ trong lĩnh vực này cần tiếp tục hoàn thiện. Thứ ba là phần thương mại dịch vụ - phức tạp nhất và nhạy cảm trong quan hệ giữa các thành viên WTO. WTO có 12 nhóm ngành với 155 ngành kinh tế, trong khi cam kết của Việt Nam với Mỹ chỉ có 8 nhóm ngành với 42 ngành kinh tế. Nếu ta phải chấp nhận cả 12 nhóm ngành của WTO thì công việc điều chỉnh hệ thống pháp luật sẽ là rất lớn. Thứ tư là tính minh bạch công khai của pháp luật, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của WTO do đã ban hành và sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu luật về ban hành văn bản pháp luật của chính quyền địa phương.
- Khác biệt và khoảng cách giữa hệ thống pháp luật Việt Nam với các quy định của WTO ở mức độ nào?
- Tùy vào từng lĩnh vực cụ thể. Có vấn đề WTO có mà Việt Nam chưa hề có, như luật về chống bán phá giá, về trợ cấp. Có cái ta có rồi, nhưng chưa cụ thể hoặc chưa khớp với quy định của WTO, như sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã có Bộ luật Dân sự bảo hộ “quyền nhân thân và quyền tài sản”, nhưng WTO lại bảo hộ “quyền kinh tế và quyền tinh thần”; hay Luật Thương mại, khái niệm thương mại hạn hẹp hơn so với quy định của WTO. So với nhiều nước, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam là khá đầy đủ và phù hợp với WTO.
- Hướng sửa đổi và ban hành mới tới đây là gì?
- Sửa đổi phù hợp hơn với thông lệ thương mại quốc tế, thể hiện trong các hiệp định của WTO. Phiên họp Chính phủ vừa qua, vấn đề được bàn chủ yếu là cách thức làm luật. Phải cải tiến thế nào để đáp ứng được chất lượng văn bản và tiến độ ban hành. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ sở nghiên cứu tìm cách đổi mới công tác soạn thảo, trình, thẩm tra và ban hành văn bản.
- Khi tổng kết, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu là sửa đổi nhưng không làm đảo lộn hệ thống luật pháp trong nước?
- Thương mại ổn định và có thể dự báo trước là một trong năm nguyên tắc lớn của WTO. Theo nguyên tắc này, Việt Nam khi điều chỉnh hệ thống pháp luật cũng đặt ra yêu cầu là sửa đổi nhưng không gây xáo trộn nền kinh tế. Cái gì mà ta đã làm được rồi thì giữ nguyên, có thể điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của WTO, chứ không phá đi làm lại. Sửa đổi, ban hành mới nhưng phải kế thừa quy định hiện hành. Và phải đảm bảo ổn định an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường... Yêu cầu này phải được thể hiện trong luật và áp dụng không phân biệt với mọi đối tượng.
- Việt Nam đặt ra mục tiêu gia nhập WTO vào 2005. Vậy lộ trình cải cách hệ thống luật pháp thế nào?
- Lộ trình điều chỉnh hệ thống pháp luật chịu sự tác động của cả 2 mặt: chủ quan - yêu cầu tự thân phải đổi mới của hệ thống pháp luật, và khách quan - sức ép của quá trình đàm phán gia nhập WTO. WTO không đòi hỏi cụ thể là Việt Nam phải hoàn tất việc sửa đổi luật và ban hành mới vào năm 2005. Vấn đề là Việt Nam phải chứng minh và làm cho họ tin tưởng rằng mình quyết tâm thực tế đổi mới để phù hợp hơn với luật pháp quốc tế. Quyết tâm đó thể hiện qua những chương trình hành động cụ thể, trong đó có chương trình lập pháp
- Quốc hội tới đây sẽ xem xét chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004. Vậy những văn bản nào sẽ được đặt ra sửa đổi, ban hành mới?
- Sửa đổi Luật Thương mại là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2004, với yêu cầu đưa được vào luật những quy định phù hợp với chuẩn mực thương mại quốc tế. Ngoài ra, cũng phải ưu tiên ban hành những quy định về quyền của Việt Nam với tư cách là thành viên WTO, như các luật về chống bán phá giá, trợ cấp, chất lượng hàng hóa.
Nghĩa Nhân