Nghị quyết kỳ họp thứ 5 được Quốc hội thông qua chiều 24/6 giao Chính phủ có giải pháp ổn định việc làm cho người lao động; hỗ trợ kịp thời lao động thất nghiệp, mất việc làm; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các cơ quan phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời và hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm vi phạm. Chính phủ sớm đề xuất hoặc ban hành quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chính phủ được giao chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; xây dựng nếp sống lành mạnh; ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống; phòng chống bạo lực gia đình và học đường, xâm hại trẻ em; thực hiện tốt chính sách với người có công.
Quốc hội yêu cầu đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp; xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên, thiếu trường học, lớp học; ưu tiên ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên, hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi từ trong nước và thế giới, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và nguồn thu ngân sách Nhà nước. Vì vậy, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương chưa được thực hiện.
Theo Nghị định năm 2004, lương công chức, viên chức được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số. Với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, mức lương cao nhất của công chức (loại A1, nhóm 1, bậc 6) là 11,92 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất (loại C, nhóm 3, bậc 1) là 2,01 triệu đồng/tháng.
Từ ngày 1/7 khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng/tháng; thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng cho lao động tại các doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Giải quyết việc chủ hộ kinh doanh bị thu sai bảo hiểm trong năm 2023
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 được Quốc hội thông qua chiều 24/6 yêu cầu Chính phủ và các cơ quan trong năm 2023 phải rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
Các cơ quan phải chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh khác chưa được pháp luật về BHXH quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Quốc hội yêu cầu hoàn thiện chính sách về BHXH để mở rộng, khuyến khích người lao động, doanh nghiệp tham gia, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; khắc phục chậm, trốn đóng và hành vi gian lận, trục lợi khác; hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Năm 2025, toàn quốc phấn đấu 45% lao động tham gia BHXH; 35% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đến tháng 9/2016, có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong khi theo quy định họ không thuộc diện đóng. Có trường hợp đóng 20 năm nhưng không được tính hưởng lương hưu nên đã làm đơn khởi kiện cơ quan bảo hiểm xã hội ra tòa án.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ năm 2003 đến nay, một số chủ hộ đủ điều kiện đã được hưởng các chế độ hưu trí, BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được tính thời gian đóng, chưa được hưởng chế độ do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia BHXH. Vì vậy năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, đồng thời báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người đóng.
Đánh giá "việc thoái thu BHXH với chủ hộ kinh doanh sẽ rất phức tạp do họ không đồng thuận, ảnh hưởng quyền lợi", Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất chủ trương đưa chủ hộ kinh doanh cá thể vào diện đóng BHXH bắt buộc và cho phép tính thời gian đã đóng để họ được hưởng chế độ theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Chính phủ cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật, xác định vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn, chồng chéo để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Các cơ quan cần sửa đổi, bổ sung văn bản dưới luật không phù hợp; kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mới các luật, nghị quyết.
Theo ông Huệ, công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, trên cơ sở quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các cơ quan tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết.