![]() |
Chị Lê Thị Giàu (trái), chủ sở hữu tập thơ Sài Gòn độc bản. Ảnh: A.V. |
Giá khởi điểm của tập thơ là 10 triệu đồng. Không ít nhà thơ tỏ vẻ lo "Liệu bao công sức đổ ra cho thơ có "được giá" ?". Thậm chí, có người còn rỉ tai nhau, nếu đạt đến mức 50-70 triệu đã là một thành công lớn từ trước đến nay. Thế nhưng, trong vòng chưa đầy 5 phút đầu tiên, giá được nâng lên ngoạn mục: 50 triệu - 80 triệu - 100 triệu ... Không khí "nóng" đến nỗi nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ - nhạc sĩ Thế Hiển và nhiều nhà thơ phải góp vui bằng các tiết mục văn nghệ để "giảm nhiệt".
Tập thơ độc bản được nhà thơ Nguyễn Thị Châu Giang vẽ bìa, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm bồi và đóng thành tập, nặng 20 kg. Mỗi thi sĩ thể hiện một bài hoặc đoạn thơ mình tâm đắc trên một trang giấy dó. Gần 1 tháng làm việc liên tục, 150 nhà thơ thuộc nhiều thế hệ của đất Sài Gòn, và cả các nhà văn làm thơ như: Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Trần Bạch Đằng... đều nhiệt tình tham gia. Đây là hoạt động nhiều ý nghĩa của Hội nhà văn TP HCM nhằm chào mừng Ngày thơ đang đến gần.
Qua hai giờ "rượt đuổi" căng thẳng, buổi đấu giá kết thúc trong tràng pháo tay như sấm dội ở mức cuối cùng là 250.500.000 đồng.. Chị Lê Thị Giàu, Giám đốc công ty nông sản Tấn Hưng TP HCM, người thắng quyền sở hữu vật phẩm độc đáo này, xúc động nói: "Gia đình tôi sắp mở một viện bảo tàng nông nghiệp cá nhân tại quận Bình Chánh với ý tưởng trưng bày những thứ nông sản tiêu biểu nhất của Việt Nam. Quyển thơ độc bản sẽ nằm ở vị trí trang trọng trong bảo tàng để tất cả khách tham quan, cũng như người nông dân được chiêm ngưỡng".
Với phong cách và giọng nói rặt kiểu con nhà nông, chị Giàu tâm sự: "Hồi nhỏ đi học, mê nhất là bài Đồng chí của Chính Hữu. Lớn lên thì bị "ám ảnh" mãi bởi bài thơ Ly cà phê buổi sáng của nhà thơ Lê Thị Kim." Cũng vì yêu bài thơ trữ tình này, chị đã đi theo con đường trồng - sản xuất - tiêu thụ cà phê, và đến nay trở thành một doanh nghiệp.
![]() |
Thầy giáo - nhà thơ thiếu nhi Nguyễn Ngọc Ký viết tặng hội nhà văn TP HCM 1 bài thơ ngay tại buổi đấu giá. Ảnh: A.V. |
Toàn bộ số tiền đấu giá tập thơ được trao cho quỹ giúp đỡ nạn nhân chịu chất độc da cam của TP HCM, tại buổi lễ vào 8h sáng mai tại Hội nhà văn thành phố. Bên cạnh đó, các nhà thơ như: Hoàng Hạc, Lê Thị Kim, Trần Từ Duy cùng nhiều văn nghệ sĩ khác, tuy không trực tiếp tham gia đấu giá, cũng đã ủng hộ gần 50 triệu đồng vào quỹ này.
Bà Phan Thế Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM hồ hởi nói: "Chưa bao giờ tôi tham dự một buổi đấu giá vui vẻ và thú vị như thế này".
Anh Vân