Cuộc sống bận rộn khiến việc bỏ ra 30-60 phút mỗi ngày, vài lần một tuần đến phòng gym rất khó khăn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Đại học Sydney phát hiện các bài tập ngẫu nhiên, thời gian ngắn mỗi ngày vẫn có lợi cho cơ thể. Các chuyên gia gọi đây là "hoạt động thể chất theo lối sống gián đoạn".
Nghiên cứu phân tích tác động của các đợt tập thể dục ngắn và nguy cơ phát triển bệnh ung thư, tim mạch, Các nhà khoa học nhận thấy 4 đến 5 phút hoạt động mỗi ngày có thể giảm 31-32% tỷ lệ phát triển ung thư phổi, ruột, gan, thận, đầu và cổ, thực quản, vú và nội mạc tử cung.
Các nhà khoa học đã quan sát hơn 22.000 người tham gia ngân hàng sinh học Biobank ở Vương quốc Anh. Họ đều chưa từng được chẩn đoán ung thư, chưa thực hiện tập luyện bài bản hoặc đến phòng gym trong gần 7 năm.
Tất cả tình nguyện viên được đeo thiết bị theo dõi chi tiết về mọi hoạt động và cường độ hàng ngày, dù ngắn đến đâu. Độ tuổi trung bình của người tham gia là 62.
Trong nghiên cứu trước đó, nhóm của giáo sư Emmanuel Stamatakis, ĐH Sydney, ghi nhận loại hình thể dục này giảm gần 50% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo ông Stamatakis, tập thể dục ngắn cải thiện hệ tuần hoàn, hô hấp, giảm tình trạng kháng insulin và viêm mạn tính - tất cả đều là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư cũng như các bệnh khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người lớn tuổi cần tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần - một con số "đáng sợ" đối với những người không có thân hình cân đối. Nhiều người, đặc biệt ở độ tuổi ngoài 60, không đạt được mục tiêu này. Nghiên cứu mới phần nào giải tỏa áp lực của họ. Thực tế, tập luyện không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa ung thư, nó còn giúp xương chắc khỏe, tăng mật độ xương, cải thiện tính linh hoạt và tâm trạng, tạo thêm cơ để hỗ trợ khớp.
Hơn nữa, việc xây dựng cơ bắp săn chắc còn có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer. Các công việc hàng ngày như làm vườn, đi bộ, leo cầu thang cũng có tác dụng tương đương với việc tập luyện các bài cường độ thấp.
Thục Linh (Theo SCMP)