Nhu cầu cung ứng nhu yếu phẩm tăng cao
Theo thống kê của Sở Công Thương, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày người dân thành phố cần khoảng 7.000 tấn thực phẩm gồm rau, củ, trái cây, thịt gia súc, gia cầm... Khi bắt đầu giãn cách, người tiêu dùng đổ xô mua lương thực, thực phẩm tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, gây nên tình trạng quá tải với sản lượng tiêu thụ gấp 4, 5 lần so với thường ngày.
Nhu cầu mua hàng tăng mạnh khiến các hệ thống bán lẻ hiện đại hoạt động hết công suất cả về số lượng nhân sự và năng suất kho chứa. Tuy nhiên giải pháp này vẫn khiến nhiều người e ngại do phải rời khỏi nhà và xếp hàng mất nhiều thời gian.
Song song đó, các dịch vụ đi chợ online, mua bán trên sàn thương mại điện tử cũng đang gặp khó khăn khi số lượng đơn hàng lớn, đặc điểm sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu cần phải giao hàng trong ngày và khan hiếm người giao hàng.
Theo số liệu thống kê đến tháng 7, tại TP HCM có khoảng 40.000 cửa hàng tạp hóa, đây là mạng lưới phân phối có độ phủ lớn nhất xung quanh các khu dân cư. Tuy nhiên, các cửa hàng này đang vận hành đơn lẻ, tính phân tán cao theo phương thức tự kinh doanh, không có cơ quan chủ quản, chưa có các quy chuẩn chung và phương thức phòng dịch nên phải tạm dừng hoạt động.
Với mục tiêu đưa hệ thống các cửa hàng tạp hóa trở thành chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu, giảm áp lực cho các kênh phân phối hiện có, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS) cùng Hệ thống Chuỗi tạp hóa Cam và IM Group - Hệ thống Học viện Kinh doanh số triển khai chương trình "Tạp hóa số".
Ông Leon Trương - Chủ tịch Liên minh DTS cho biết, tạp hóa bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn bộ tạp hóa bán lẻ buộc phải đóng cửa. Vì vậy, hiện nay, tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm luôn trong tình trạng quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu khi khách hàng dồn về mua hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch.
"Sử dụng nền tảng công nghệ là giải pháp cần thiết để tập hợp các tạp hóa, quản lý và phát triển chuỗi cung ứng đạt hiệu quả tối ưu", ông Leon Trương nói.
Tạp hóa số - Giải pháp cung ứng nhu yếu phẩm qua cửa hàng tạp hóa
Chương trình thực hiện các giải pháp để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, kế tiếp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối, bán lẻ gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng.
Áp dụng giải pháp "Tạp hóa số" có thể làm giảm tình trạng quá tải tại các siêu thị, cửa hàng và kênh bán hàng online hiện nay, giải quyết vấn đề cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng và phát triển mạng lưới chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm thời gian và đem lại hiệu quả cao cho bên bán và bên mua.
Theo đó, hàng hóa được đưa trực tiếp đến các cửa hàng tạp hóa, ứng dụng hình thức bán hàng không tiếp xúc để vận chuyển tới tay người tiêu dùng theo nhu cầu cụ thể của từng khu vực. Giải pháp cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng TP HCM vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, chương trình kết hợp xây dựng, triển khai các khóa đào tạo cho chủ cửa hàng, tuân thủ theo quy định phòng dịch, bán hàng không tiếp xúc, sử dụng ví điện tử cho quá trình thanh toán, tập huấn các kỹ năng sử dụng các ứng dụng đặt hàng, quản lý tồn kho... Đồng thời quy tụ các tạp hóa dưới sự quản trị, hướng dẫn của một hệ thống chung, một đơn vị thống nhất.
Chương trình kêu gọi sự tham gia của tất cả các cửa hàng tạp hóa, các nhà phân phối và nhãn hàng, đối tác tại TP HCM. Thời gian đăng ký từ ngày 1/8. Độc giả có thể theo dõi hương trình tổ chức buổi lễ ra mắt vào ngày thứ sáu, ngày 30/7 thông qua nền tảng trực tuyến Zoom. Để tham gia chương trình, truy cập website https://taphoaso.com hoặc hotline: 0352 697 300.
Bảo Khánh