Thứ sáu, 15/10/2021, 20:00 (GMT+7)

Hành trình đến top 3 toàn cầu của FrieslandCampina không thể thiếu đóng góp lớn của nhãn hiệu chủ lực Cô Gái Hà Lan với nỗ lực "bản địa hóa" sứ mệnh tập đoàn ở 100 thị trường.

Tại Việt Nam, Cô Gái Hà Lan không chỉ triển khai 4 tiêu chí chính trong bảng xếp hạng Tiếp cận Dinh dưỡng (Access to Nutrition Initative - ATNI) trên toàn cầu, mà các hoạt động cũng gắn chặt với bối cảnh xã hội, mang lại nguồn dinh dưỡng phù hợp với thể trạng đặc trưng của trẻ em Việt.

Trong lịch sử 150 năm toàn cầu và 25 năm phát triển cùng ngành sữa Việt Nam, hộp sữa Cô Gái Hà Lan cải tiến rất nhiều về thành phần dinh dưỡng, phù hợp với thể trạng của thế hệ hiện tại. Dễ nhận ra là vị ngọt ngày càng dịu hơn, sau khi hãng mạnh dạn đi ngược lại thói quen ưa ngọt của trẻ và chủ động giảm lượng đường trong các sản phẩm từ năm 2009. Đến nay, hãng sữa này đã cắt giảm tới 45% lượng đường trong mỗi hộp sữa tươi. Công thức giàu năng lượng từng bước chuyển sang cân bằng dinh dưỡng với ít đường, ít muối, ít chất béo bão hòa... và nhiều vi chất hơn cho trẻ.

Bà Tạ Thúy Hà, Giám đốc tiếp thị ngành hàng sữa nước, tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam cho biết, mỗi năm Cô Gái Hà Lan chi 80 triệu euro vào R&D (nghiên cứu và phát triển). Nhờ đó, sản phẩm đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới như chuẩn Foqus với 7 nguyên tắc "vàng" cho toàn bộ quy trình sản xuất từ đồng cỏ đến ly sữa, bộ tiêu chuẩn dinh dưỡng toàn cầu GNS - Global Nutrition Standard (các tiêu chí về dinh dưỡng nhằm lưu giữ tối đa lượng dinh dưỡng tự nhiên, giảm thiểu những chất tác động không tốt đến sức khỏe) từ nghiên cứu đến phát triển... Song chẳng có tiêu chuẩn nào bất biến mà liên tục cải tiến theo tư duy "doanh nghiệp toàn cầu mang trái tim địa phương": cải tiến và đồng nhất chất lượng toàn cầu nhưng "bản địa hóa" công thức.

Trước khi sản xuất, hãng còn khảo sát hàng nghìn trẻ em Việt để đánh giá chính xác nhu cầu dinh dưỡng. Nổi bật là dự án khảo sát SEANUTS I (2010-2011) cung cấp cơ sở để Cô Gái Hà Lan bổ sung các vitamin và khoáng chất mà trẻ em hay thiếu hụt. Gần đây, dự án SEANUT II (2019-2021) giúp tăng cường protein trong sữa cho giai đoạn tăng trưởng của trẻ.

Ở quốc gia khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, sữa Cô Gái Hà Lan có quy trình "20 phút vàng" trong vận chuyển sữa tươi nguyên liệu về 45 điểm làm lạnh rải khắp chiều dọc đất nước. Đại diện Tập đoàn FrieslandCampina chia sẻ thêm, sản phẩm hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn, đạt mức số đếm tạp trùng thấp chỉ 260.000 CFU/ml - thấp hơn 11 lần so với chuẩn Việt Nam. Cùng với đó là quy tắc "4 không": không dư lượng kháng sinh, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản và không màu hóa học giúp mỗi hộp sữa giữ được tối đa dưỡng chất tự nhiên.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính, các sản phẩm giàu dinh dưỡng lành mạnh có giá cao hơn 60% so với sản phẩm chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu, thậm chí đắt gấp 5 lần sản phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng. Giá chính là rào cản khiến 3 tỷ người trên thế giới không đủ khả năng chi trả những bữa ăn lành mạnh hàng ngày. Trong đó, 1,5 triệu người thậm chí không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đi tìm lời giải cho bài toán này, FrieslandCampina được ATNI đồng xếp hạng cao nhất toàn cầu về khả năng tiếp cận người tiêu dùng nhờ chiến lược đa dạng nhiều sản phẩm có giá phải chăng, bên cạnh những dòng cao cấp. Hiện, mỗi ngày có hơn 4 triệu đơn vị sữa Cô Gái Hà Lan và các sản phẩm khác của tập đoàn đến tay người tiêu dùng Việt ở nhiều phân khúc giá.

Theo ATNI, FrieslandCampina còn là tập đoàn F&B (thực phẩm và thức uống) duy nhất đưa ra mục tiêu đầy tham vọng, được cụ thể hóa bằng những con số cũng như mốc thời gian thực hiện.

Cụ thể đến 2025, Cô Gái Hà Lan và FrieslandCampina sẽ ấn định giá phù hợp túi tiền cho ít nhất 50% danh mục sản phẩm và 15% lượng sản phẩm bán ra để người dùng tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn dinh dưỡng sữa, nhất là nhóm yếu thế có thu nhập thấp tại Việt Nam. Chuỗi phân phối cũng không ngừng mở rộng để hộp sữa Cô Gái Hà Lan ngày càng thân thuộc, hiện diện từ quầy kệ siêu thị đến tiệm tạp hóa nông thôn.

Cô Gái Hà Lan và FrieslandCampina cũng dẫn đầu về chỉ số truyền thông có trách nhiệm, tiếp thị minh bạch cho cả đối tượng thu nhập thấp, dù nhóm này không mang lại lợi nhuận cao.

Vì sữa tươi chủ yếu dành cho trẻ nhỏ nên Cô Gái Hà Lan luôn tuân thủ nghiêm ngặt chính sách truyền thông minh bạch cũng như cung cấp đầy đủ thông tin trên nhãn mác giúp cha mẹ có lựa chọn phù hợp, lành mạnh hơn. Nhiều sản phẩm còn truy xuất nguồn gốc ra nhà máy sản xuất và nơi khai thác nguồn sữa qua bao bì.

Theo khảo sát Cô Gái Hà Lan, phần lớn trẻ em Việt chỉ uống 80-140ml sữa một ngày, bằng 35% so với chuẩn định mức. Bên cạnh truyền thông sản phẩm có trách nhiệm, nhãn hàng còn chung tay giáo dục dinh dưỡng cho cộng đồng bằng các chiến dịch bài bản, quy mô và sáng tạo. Bài bản nhất phải kể đến hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia triển khai dự án khảo sát SEANUTS cung cấp tiền đề cho các nhà hoạch định công đưa ra giải pháp khắc phục thực trạng suy dinh dưỡng từ trên xuống.

Về quy mô, Cô Gái Hà Lan mới đây phối hợp với Bộ Giáo dục triển khai chương trình "Vì một Việt Nam vươn cao vượt trội", đầu tư 55 tỷ đồng trong 5 năm để thiết kế 1.250 góc dinh dưỡng, cung cấp kiến thức cho 1,25 triệu học sinh, xây dựng 65 sân chơi vận động và tổ chức hoạt động ngoại khóa cho 1,5 triệu em nhỏ tại 1.250 trường tiểu học. Năm học qua, hãng sữa cũng phát động chiến dịch sáng tạo "Vũ điệu uống sữa" tiếp cận hơn 288.000 học sinh ở 250 trường tiểu học.

Chia sẻ về tầm nhìn tiếp cận dinh dưỡng, đại diện FrieslandCampina cho biết, thành tựu đạt được là kết quả của 2 chiến lược ưu tiên hàng đầu "mang nguồn dinh dưỡng tốt hơn đến cho thế giới" và "cải tiến liên tục" mà nhãn sữa hướng tới cho thế hệ hôm nay và tương lai. Trong hành trình hơn 25 năm đồng hành cùng người Việt, Cô Gái Hà Lan cam kết luôn cải tiến nguồn dưỡng chất tốt hơn theo tiêu chuẩn ATNI và tạo điều kiện để người tiêu dùng Việt dễ dàng tiếp cận được với những sản phẩm lành mạnh, đủ dinh dưỡng mà vẫn phù hợp với khả năng tài chính. Điều này nhằm mang đến cho các thành viên trong gia đình nền tảng sức khỏe tốt nhất, vững vàng nhất.

Ngọc An
Thiết kế: Tấn Nguyễn

Ra đời năm 2016, bảng xếp hạng Sáng kiến Tiếp cận Dinh dưỡng Toàn cầu (ATNI) trên toàn cầu là thước đo đánh giá các tập đoàn F&B về năng lực sản xuất và phân phối các sản phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, cải thiện dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

Giữa bối cảnh dịch bệnh, ATNI càng có ý nghĩa khi thúc đẩy các doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra thay đổi tích cực cho không chỉ 690 người rơi vào tình trạng thiếu ăn (8,9% dân số toàn cầu) mà còn hỗ trợ thêm khoảng 130 triệu người thiếu dinh dưỡng mới do Covid-19 theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2020.

Theo đuổi ATNI từ những ngày đầu, FrieslandCampina tăng thứ hạng từ vị trí thứ 8 lên thứ 3 toàn cầu (trong danh sách 25 tập đoàn dinh dưỡng và thực phẩm lớn nhất thế giới 2021) sau 5 năm, cách biệt chỉ 0,8/10 điểm so với tập đoàn dẫn đầu, theo tổ chức Quỹ Tiếp cận Dinh dưỡng (Access to Nutrition Foundation).