Thông tin trên vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM nêu trong văn bản gửi Sở Tài chính (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của thành phố).
Việc này nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách năm nay cho thành phố từ các khu đất dự kiến thu tiền sử dụng đất. Với 22 dự án bất động sản đang vướng, nếu hoàn tất thẩm định giá trong quý IV, số thu dự kiến cho ngân sách TP HCM khoảng 25.483 tỷ đồng.
Theo danh sách đề xuất từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, nhiều dự án có quy mô lớn đang "bế tắc" pháp lý vì chờ khâu thẩm định giá đất, sẽ được gỡ vướng trong đợt này như khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte, với mức thu dự kiến là 16.000 tỷ đồng. Dự án này được động thổ tháng 9/2022 do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do gặp vướng về nghĩa vụ tài chính nên đến nay vẫn nằm im.
Dự án lớn thứ hai là khu đất 14,8 ha ở phường An Phú, TP Thủ Đức của Công ty cổ phần bất động sản Nguyên Phương. Ước tính số tiền thu ngân sách từ dự án này là 3.500 tỷ đồng. Nằm trong nhóm dự án nghìn tỷ còn có khu đất số 230 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 của Công ty TNNH bất động sản T.N.T Trung Thủy. Nghĩa vụ tài chính của dự án này dự kiến hơn 3.200 tỷ đồng.
Ngoài 3 dự án có nguồn thu trên nghìn tỷ, danh sách còn có những dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính rất lớn như khu dân cư cao tầng Diamond Riverside của Công ty Năm Bảy Bảy với số tiền dự kiến thu hơn 729 tỷ đồng; dự án của Công ty Hoàng Anh ở quận 7 là 623 tỷ đồng, dự án của Công ty Phú Sơn Thuận ở quận 10 và Công ty Nhà Khang Phúc ở quận Bình Tân lần lượt có số thu khoảng 281 tỷ và 137 tỷ đồng...
Theo thông tin từ UBND TP HCM, hiện thành phố có gần 200 hồ sơ dự án tồn đọng với khoảng 80.000 nền đất, căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận do vướng khâu xác định giá đất cụ thể. Nhiều năm qua, vì vướng công tác thẩm định giá đất mà hàng trăm dự án bất động sản đang trong tình trạng "đóng băng" hoặc tạm dừng thủ tục pháp lý tiếp theo, không tính toán được nghĩa vụ tài chính, thu tiền sử dụng đất. Hệ lụy là các dự án không thể triển khai theo đúng quy hoạch và làm sổ hồng cho người mua nhà.
Tình trạng này gây khó khăn cho nhiều chủ đầu tư và người dân và là một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu ngân sách của thành phố sụt giảm. Sự bế tắc trong công tác trình và thẩm định giá đất thời gian qua đã trở thành "điểm nghẽn" trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quá trình phát triển đô thị của TP HCM.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã trình UBND thành phố dự thảo đề án "Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn". Trong đó thành phố cần lập Ban Chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do lãnh đạo UBND thành phố làm Trưởng ban, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó trưởng Ban thường trực và các thành viên là lãnh đạo các cơ quan có liên quan.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 về kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các ban ngành liên quan tập trung giải quyết các vướng mắc, tồn đọng của các dự án đầu tư và từ nay đến cuối năm cần tập trung giải quyết nghĩa vụ tài chính cho các dự án lớn, không dàn trải.
Phương Uyên