Viện nghiên cứu lúa quốc tế - IRRI (Philippines) vừa tổ chức đào tạo "Người hướng dẫn được SRP ủy quyền" (SRP Authorized Trainer) cho 16 nhân sự thuộc ngành Dịch vụ và Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch xây dựng 100 người hướng dẫn chuyên nghiệp về sản xuất lúa gạo bền vững (SRP - Sustainable Rice Platform) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, nhằm phục vụ kế hoạch triển khai rộng mô hình SRP trong thời gian sắp tới.
Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị có 58 người hướng dẫn chính thức của SRP. Các nhân viên Lộc Trời sau khi hoàn thành khóa học này là người trực tiếp tập huấn cho nông dân tham gia mô hình SRP 100.
Các khóa học tiếp theo sẽ được tổ chức trong thời gian sắp tới nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng số lượng lên 100 người vào năm 2021. Đây là lực lượng nòng cốt để triển khai diện tích canh tác lúa một triệu hecta của Lộc Trời, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và đảm bảo sinh kế cho người nông dân.
![Các kỹ sư 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của Tập đoàn Lộc Trời trên cánh đồng sản xuất lúa gạo theo mô hình bền vững tại An Giang vào năm 2017.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/08/27/HINH-ANH-1-4072-1630082134.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iOZQ40Pvz84F65XM7U-K_g)
Các kỹ sư "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của Tập đoàn Lộc Trời trên cánh đồng sản xuất lúa gạo theo mô hình bền vững tại An Giang vào năm 2017.
The Sustainable Rice Platform (SRP) được thành lập vào năm 2011 bởi Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). SPR với mục đích khuyến khích sự phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chuỗi giá trị lúa gạo nói riêng. IRRI là đơn vị được SRP ủy thác đào tạo về tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững (tiêu chuẩn SRP) và các nội dung liên quan khác.
Tiêu chuẩn SRP cho canh tác lúa bền vững là tiêu chuẩn tự nguyện trên thế giới, bao gồm 41 yêu cầu được tổ chức theo 8 chủ đề rất quan trọng đảm bảo quy trình canh tác, quản lý đồng ruộng, tiết kiệm nước, đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động...
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ thêm, với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, doanh nghiệp đã gia nhập SRP vào năm 2015. Vào vụ đông xuân 2019-2020, Lộc Trời tiếp tục nâng cao áp dụng tiêu chuẩn SRP bằng việc triển khai mô hình SRP 100 ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Với sự hỗ trợ của đơn vị, 13 nông dân trong mô hình đã đạt tiêu chuẩn SRP. Trong 4 mùa vụ liên tiếp, các nông dân thực hiện mô hình SRP100 của Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục đạt 100 điểm.
Đẩy mạnh nghiên cứu để nâng cao chất lượng lúa gạo
Để phục vụ cho hoạt động sản xuất lúa gạo bền vững, nâng cao chất lượng, Lộc Trời cũng đẩy mạnh phát triển các đơn vị nghiên cứu.
Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời là đơn vị có nhiều nghiên cứu, chọn tạo, phát triển nhiều giống lúa mới, xây dựng các quy trình canh tác trên cây lúa, phù hợp với yêu cầu của các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... cùng nhiều quy trình canh tác trên các nhóm cây trồng khác. Đây cũng chính là đơn vị đã tạo ra giống Lộc Trời 28 (LT28) - giành giải loại gạo thơm ngon nhất ở phân khúc gạo thơm tại "Hội nghị Thương mại Gạo đại lục" lần thứ 5 năm 2018 tổ chức ở Trung Quốc. Tập đoàn Lộc Trời cũng đạt thành tích 100 điểm SRP quốc tế trong năm 2020.
![Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời tại An Giang thành lập tháng 7/2020.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/08/27/HINH-ANH-2-6732-1630082134.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X_gwtwRhGV6U-V2JjaQc3A)
Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời tại An Giang thành lập tháng 7/2020.
Vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm cho chi nhánh trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời (An Giang). Trung tâm này sẽ hoạt động thử nghiệm tổng hợp đa ngành trong lĩnh vực hóa và sinh học.
Với chứng nhận này, chi nhánh trung tâm Định Thành có thể thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ về lĩnh vực thử nghiệm hóa học, sinh học trên các sản phẩm lúa, gạo...
Hiện nay, chi nhánh trung tâm này có thể đáp ứng các điều kiện để kinh doanh dịch vụ thử nghiệm gồm năng lực phòng thử nghiệm, thử nghiệm viên lành nghề, phòng thí nghiệm được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị, dụng cụ thử nghiệm, đo lường phù hợp. Theo đại diện Lộc Trời, đây cũng là cơ sở để Định Thành hướng tới đăng ký hoạt động phòng thí nghiệm hóa học, công nhận hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO/IEC 17025:2017.
"Chi nhánh trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận góp phần chứng minh cho năng lực trong lĩnh vực thử nghiệm hóa, sinh học; nâng cao uy tín của Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời nói riêng và Tập đoàn Lộc Trời nói chung", vị đại diện nói thêm.
Ngọc An