Tôi là bà mẹ của 2 con nhỏ: 1 bé gái 6 tuổi và 1 bé trai gần 1 tuổi. Năm nay, con gái lớn của tôi vào lớp 1, cháu đã nhận biết mặt số đến 100 và thực hiện được các phép tính đơn giản trong phạm vi 10.
Từ lúc tôi được sinh ra cho đến lúc lập gia đình, chưa từng được ai chỉ dạy gì về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân, cũng như cách quản lý làm sao để đạt hiệu quả nhất. Lúc tôi lập gia đình, đặc biệt là khi có con, mới hiểu tầm quan trọng của những điều này.
Song, việc không nhận thức đúng và tạo thói quen quản lý tài chính khoa học, hiệu quả từ bé nên tôi đã gặp không ít khó khăn. Bởi lý do vậy, tôi muốn trang bị cho con kiến thức, kỹ năng sử dụng và quản lý tiền hiệu quả nhất ngay từ khi còn bé.
Khi bé của tôi 5 tuổi, cháu được học về chữ số và các phép tính đơn giản, tôi bắt đầu dạy con về ý nghĩa của tiền. Tôi lấy tiền ra trong ví và bảo với con "đây là tiền này con, tiền này có thể mua được đồ ăn, thức uống, quần áo, sách vở... và tiền này không phải tự dưng nó chạy vào trong ví mẹ, hay có sẵn trong ví của người khác, mà để có được nó thì chúng ta phải lao động để được trả bằng tiền. Lao động có thể bằng chân tay như việc các cô chú phục vụ ở nhà hàng ăn mà con vẫn thường thấy, hay lao động bằng trí óc như việc người phát minh và tạo ra cái robot lau nhà mà nhà mình vẫn đang dùng nó hàng ngày này con.
Và cũng giống như bao bạn nhỏ khác, mỗi dịp Tết đến, bé nhà tôi cũng nhận được tiền lì xì . Tôi quy định số tiền mừg tuổi này con được lấy ra một phần nhỏ (tôi thường để tầm 200.000 đồng) để mua một món đồ mà con thích. Phần còn lại để con phục vụ mục đích học tập và giúp đỡ người khác. Bé có hỏi tại sao con không được dùng hết số tiền đó theo ý của con, tôi giải thích cho con hiểu: vì mọi người lì xi cho con với mong muốn con chăm ngoan và học giỏi. Vậy số tiền này sẽ dùng để phục vụ việc cho mục đích giáo dục như mua sách vở, các ứng dụng học tập và giúp đỡ người khác.
Nếu con muốn có tiền để chi tiêu theo ý thích của con thì con có thể làm việc để được trả công. Số tiền lì xì dịp Tết vừa rồi con đã dùng để trả phí cho một ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại và mua sách mỗi lần được bố hoặc mẹ dẫn đến nhà sách. Con đã rất vui vẻ khi lấy 1 phần tiền đó ủng hộ các bạn thiếu nhi mồ côi cha mẹ vào dịp 1/6 vừa qua.
Đầu tiên, con nhận việc rửa bát và quét nhà để được trả công. Những ngày đầu, con vô cùng háo hứng làm việc và hồi hộp chờ đến lúc được trả công. Mỗi lần rửa bát con được trả 10.000 đồng một lần và con được trả ngay sau khi hoàn thành công việc. Hôm nào rửa bát sạch sẽ cẩn thận và nhiệt tình, vui vẻ, con sẽ được trả 15.000 đồng một lần, còn ngược lại hôm nào con làm không cẩn thận hay thái độ không tốt sẽ chỉ nhận 5.000 đồng một lần. Thông qua đó, tôi muốn con hiểu cùng là một công việc như nhau nhưng nếu chất lượng và thái độ với công việc khác nhau, con sẽ được trả rất khác nhau.
Sau khi trả công thì tôi đều bảo: hôm nay con nhận được tiền công rồi sẽ gửi lại mẹ một phần để mua đồ ăn thức uống hàng ngày cho con chứ?. Và con thống nhất sẽ đưa lại nửa số tiền công của ngày hôm đó cho mẹ. Qua đó tôi hy vọng con học được việc đóng góp và chia sẻ với gia đình, sau này là xã hội.
Thường một tuần, tôi sẽ dẫn con đi siêu thị vài lần để con mua đồ từ số tiền công kiếm được. Phải nói là cầm trong tay tiền của chính mình, con vô cùng tự tin và hào hứng vào chọn đồ. Lần đầu tiên, con mua được que kem từ số tiền của con kiếm được, tôi hỏi "kem tự mình mua được có ngon không con?". Con tự hào trả lời "ngon mẹ ạ và con không cần phải này nỉ ai cả!". Thật tuyệt vời. Vậy là con đã hiểu được phần nào ý nghĩa của việc tự lập về tài chính.
Cũng có lần con rất hụt hẫng vì số tiền công rửa bát, lau bàn của mấy hôm không đủ để mua được 3 que kem (con định mua 3 que kem, 1 que cho mình và 2 que cho 2 em họ). Tôi hỏi con "con rửa bát lau bàn mấy ngày liền không mua nổi que kem, vậy sau này con có chọn nghề rửa bát không?. Con trả lời không chút nao núng "con không ạ". Tôi đáp lại "nếu con không chọn rửa bát như một nghề để kiếm sống thì vậy con hãy xem rửa bát là để giúp đỡ mẹ thôi nhé".
Thế là từ đó con không được trả công cho việc rửa bát nữa. Và tôi gợi ý "Con có thể làm những việc khác để được trả công cao hơn, mẹ thấy con vẽ rất đẹp, và mẹ thì lại rất thích các bộ váy đẹp và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn số tiền công rửa bát nhiều để có được 1 bộ váy đẹp. Vậy con có thể thử thiết kế cho mẹ một bộ váy để mẹ đặt may không?". Lúc đó mắt con sáng ngời như vừa khám phá được ra điều gì. Thực sự, bé nhà tôi rất thích vẽ, năng khiếu vẽ ở mức khá, cũng không phải là xuất sắc.
Ở độ tuổi lên 6 thì con cũng chưa thể vẽ được váy thiết kế, nhưng tôi vẫn trả công cho con cao với số tiền 50.000 đồng để con hiểu được có rất nhiều công việc có thể tạo ra tiền và con nên chọn những việc đúng theo sở trường để vừa được làm điều mình thích, vừa được trả công cao hơn.
Sau này khi con lớn hơn, tôi mong muốn con sẽ học được cách phân bổ các khoản tiền thành những quỹ nhỏ, với những mục đích khác nhau như: quỹ tiệt kiệm, sinh hoạt phí, tiền tiêu vặt, quỹ bảo hiểm và phòng thân, quỹ làm việc thiện, quỹ giáo dục và phát triển bản thân, quỹ đầu tư... Tôi tin rằng việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, rõ ràng và khoa học theo từng quỹ riêng biệt sẽ giúp chúng ta dễ đạt được các mục đích đã đề ra, để bản thân được sống vui vẻ, an nhiên, hạnh phúc, tự do, tự tại.
Tháng 9 này, bé nhà tôi sẽ bước vào lớp 1. Tôi hy vọng ở trường con sẽ được học những kỹ năng sống bao gồm cả kỹ năng quản lý tài chính ngay từ lúc còn nhỏ, để con có thể nhận thực đúng về tiền, biết cách sử dụng và quản lý tiền một cách hiệu quả. Đây là cách giúp con sau này có thể trở thành một công dân có ích cho đất nước và làm chủ được tiền mà không bị điều ngược lại là bị tiền làm chủ, như nhiều người ở thế hệ mà tôi đã gặp phải.
Phạm Thị Kim Oanh
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây.