Công ty RDA Holdings, nhà xuất bản của tờ tạp chí 91 năm tuổi Reader’s Digest, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ với hy vọng “cắt đuôi” khoản nợ 465 triệu USD. Động thái này của RDA nối dài thêm danh sách những tờ báo in và tạp chí lớn của Mỹ lâm khủng hoảng khi độc giả chuyển sang đọc báo điện tử ngày càng nhiều.
Được thành lập bởi DeWitt và Lila Wallace, Reader’s Digest trở thành công ty đại chúng vào năm 1990. |
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, được thành lập bởi DeWitt và Lila Wallace, Reader’s Digest trở thành công ty đại chúng vào năm 1990. Vào năm 2007, tờ tạp chí này được một nhóm nhà đầu tư do công ty Ripplewood Holdings dẫn đầu mua lại với giá 1,6 tỷ USD kèm theo khoản nợ khoảng 800 triệu USD. Tháng 8/2009, tạp chí này đã phá sản một lần vì doanh thu quảng cáo giảm và gánh nặng nợ nần liên quan tới vụ thâu tóm trước đó.
Theo đơn xin bảo hộ phá sản mà RDA vừa nộp lên tòa ở New York, công ty này hiện sở hữu giá trị tài sản khoảng 1 tỷ USD và mang một số nợ trị giá tương tự. Theo một thỏa thuận tái cơ cấu nợ do ngân hàng Wells Fargo bảo lãnh, số nợ 465 triệu USD nằm trong số trái phiếu có thứ hạng ưu tiên cao do RDA phát hành sẽ được chuyển đổi thành cổ phần.
Dự kiến, sau khi hoàn tất quá trình phá sản theo Chương 11 của luật phá sản Mỹ, RDA sẽ còn số nợ khoảng 100 triệu USD, giảm khoảng 80% so với trước khi phá sản. Ngoài ra, sau khi phá sản, RDA sẽ tập trung hoạt động tại thị trường Bắc Mỹ, thay vì phát hành trên toàn cầu như hiện nay.
“Chúng tôi đang trải qua một quá trình nhằm tinh giản hoạt động bằng cách cấp phép xuất bản cho các bên thứ ba, các nhà xuất bản khác, các nhà đầu tư khác. Đây là một phần lớn trong nỗ lực nhằm đưa công ty trở nên gọn nhẹ và giảm nợ”, ông Robert Guth, Giám đốc điều hành của Reader’s Digest, phát biểu.
Theo website của Reader’s Digest, ấn bản in chính của tạp chí này phục vụ hơn 25 triệu độc giả. Công ty này phát hành 75 tạp chí trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 49 ấn bản của các tờ Reader’s Digest, Taste of Home, the Family Handyman và Birds & Blooms. Ông Guth cho biết, trong tháng 12 năm ngoái, Reader’s Digest bán được nhiều bản điện tử hơn là bản in.
Vụ phá sản của RDA được xem là vụ mới nhất trong chuỗi những vụ phá sản của các doanh nghiệp mang tính biểu tượng, sau vụ phá sản của hãng bánh mỳ nổi tiếng Hostess Brands Inc. vào năm 2009 và nhà sản xuất máy ảnh Kodak vào năm 2012.
Hàng loạt tờ báo in ở Mỹ đang chật vật vì doanh thu quảng cáo giảm. Mới đây nhất, tờ báo hàng đầu của Mỹ Washington Post đã tính đến khả năng phải bán trụ sở để có tiền trang trải chi phí. Theo hãng tin AFP, doanh thu báo in tại Mỹ đã sụt giảm mạnh do nhiều người chuyển sang sử dụng những loại hình truyền thông trực tuyến.
Washington Post không phải là tờ báo đầu tiên phải tính bán tài sản để trang trải chi phí. Công ty chủ quản của các tờ báo lớn ở Mỹ như Philadelphia Inquirer và Daily News gần đây cũng mới bán đi trụ sở của mình. Nhiều tờ báo cũng đang phải tìm đủ mọi cách nhằm tiết kiệm chi tiêu và đối phó với tình trạng doanh thu sụt giảm mạnh.
Theo VnEconomy