Theo Reuters, thị trưởng Paris Anne Hidalgo hôm qua tuyên bố tại một cuộc họp hội đồng thành phố rằng tư cách công dân danh dự của thủ đô rất hiếm khi được trao tặng. Trong quá khứ, vinh dự này chỉ dành cho "những chiến sĩ có chiến công xuất sắc trong việc chống lại chế độc tài và man rợ".
"Bằng việc trao nó cho Charlie Hebdo, Paris, thành phố của chúng ta, bày tỏ sự tôn trọng với một tờ báo anh hùng như với những người anh hùng", bà nói. Trang web chính thức của thành phố cũng treo một biểu ngữ đen mang dòng chữ "Paris là Charlie".
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Fleur Pellerin cho hay chính quyền sẵn sàng cấp cho tờ biếm họa 1 triệu euro (gần 1,2 triệu USD) để nó có thể tiếp tục hoạt động vào "tuần tới, tuần sau và tuần sau nữa".
12 người, trong đó có tổng biên tập và các nhà biếm họa gạo cội, đã thiệt mạng khi ba tay súng cực đoan tấn công vào trụ sở của tạp chí hôm 7/1, gây nên làn sóng bàng hoàng và phẫn nộ khắp nước Pháp cũng như thế giới. Hai trong số các nạn nhân là người Hồi giáo.
Sau vụ tấn công, sự ủng hộ của dư luận với Charlie Hebdo tăng mạnh, dù những bức tranh và bình luận của tờ tạp chí này trước đây không mấy hút khách. Số lượng phát hành của nó vào năm ngoái giảm xuống còn 30.000 bản, dưới mức hòa vốn.
Albert Uderzo, một họa sĩ 87 tuổi đã nghỉ hưu, người từng tạo ra nhân vật truyện tranh Pháp nổi tiếng Asterix, tuyên bố ông sẽ vẽ minh họa cho Charlie Hebdo khi tờ tạp chí này đang chuẩn bị phát hành một triệu bản vào thứ tư tuần sau.
Tờ Liberation hỗ trợ không gian làm việc, còn Radio France, France Televisions và Le Monde hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị để giúp Charlie Hebdo ra số tiếp theo.
Các nhà xuất bản đóng góp gần 300.000 USD và một quỹ truyền thông mới lập có sự hậu thuẫn của Google cũng cho biết tương tự. Tại London, Tập đoàn Truyền thông Guardian tuyên bố sẽ quyên góp hơn 150.000 USD.
Thậm chí những cá nhân và tổ chức từng là mục tiêu châm biếm của Charlie Hebdo như các giáo sĩ Hồi giáo, Kito giáo, Do Thái và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cũng bày tỏ sự ủng hộ với tạp chí. Họ cho biết họ đang bảo vệ tự do ngôn luận và chủ nghĩa thế tục của Pháp. Đây là hai trụ cột chính trong "các giá trị cộng hòa" đã được tuyên bố rộng rãi, nổi lên từ cách mạng Pháp 1789, với ý nghĩa đoàn kết nhân dân vượt lên mọi chia rẽ về chính trị, sắc tộc và tôn giáo.
Anh Ngọc