"Không ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc nên hay không nên làm gì", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay phát biểu trong lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách và mở cửa tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, theo AFP.
Tập Cận Bình không trực tiếp nói về những thách thức cụ thể Trung Quốc đang phải đối mặt hay các vấn đề nhạy cảm như cuộc chiến thương mại với Mỹ. Thay vào đó, ông dành phần lớn bài phát biểu dài một tiếng rưỡi để đề cập đến những tổng kết chung về phát triển kinh tế, xã hội Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua. Theo ông, bài học đầu tiên Trung Quốc có thể rút ra từ thành công 40 năm qua là phải kiên định với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Biểu ngữ vĩ đại của chủ nghĩa xã hội luôn luôn bay cao trên đất Trung Quốc. Sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc là đặc điểm then chốt nhất và cũng là lợi thế lớn nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.
"Mỗi bước trong cải cách và mở cửa không dễ dàng, chúng ta sẽ đối mặt với tất cả các kiểu rủi ro và thách thức trong tương lai, thậm chí có thể đương đầu những đợt sóng không thể tưởng tượng và những cơn bão kinh hoàng. Chỉ bằng cách cải thiện sự lãnh đạo và quản lý của đảng, chúng ta mới có thể đảm bảo con tàu cải cách và mở cửa tiến về phía trước", ông Tập nói.
Trung Quốc sẽ tiếp tục bám sát hệ tư tưởng chính thức là chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết ba đại diện, khái niệm phát triển khoa học và Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Ông Tập cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế được khởi xướng tháng 12/1978 dưới thời Đặng Tiểu Bình. "Chúng ta kiên quyết cải cách những gì nên và có thể thay đổi, chúng ta kiên quyết không cải cách những gì không nên và không thể thay đổi", ông Tập nói.
Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc sẽ cải cách nhiều hơn, sẽ hỗ trợ sở hữu công và cung cấp hỗ trợ không giới hạn cho các khu vực phi chính phủ. Ông Tập, người sẽ nắm quyền đến năm 2023 sau khi sửa đổi hiến pháp hồi tháng ba, cần thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng Bắc Kinh vẫn cam kết tiến trình tự do hóa kinh tế bắt đầu cách đây 40 năm.
Mỹ và châu Âu từ lâu phàn nàn về những trở ngại còn sót lại khi thâm nhập thị trường khổng lồ Trung Quốc, trong khi các công ty Trung Quốc được hưởng lợi từ các nền kinh tế mở cửa của phương Tây.
Các chỉ số cổ phiếu tại Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong giảm mạnh trong thời gian ông Tập phát biểu. Chỉ số tại Thượng Hải giảm 1,2%, trong khi chỉ số của Thâm Quyến giảm tới 1,5%, mức thấp nhất trong 8 tuần qua. Chỉ số tại Tokyo và Sydney cũng giảm lần lượt 1,8% và 1%.
Công cuộc cải cách đã giúp hơn 800 triệu người Trung Quốc thoát đói nghèo và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc nắm giữ khoảng 10% tài sản toàn cầu và hiện có 600 tỷ phú, cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo những hệ quả. Trung Quốc là nước gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất thế giới. Chênh lệch lớn về thu nhập dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những món nợ lớn và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo số liệu chính thức, tốc độ tăng trưởng năm 2017 của Trung Quốc là 6,9% và dự kiến là 6,5% trong năm nay.
Trong quan hệ quốc tế, ông Tập nhắc lại đường lối hiện tại của Trung Quốc rằng sẽ không theo đuổi bá quyền, nhưng cũng không bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình. Trung Quốc sẽ đóng vai trò là một quốc gia có trách nhiệm, hỗ trợ các nước đang phát triển và tham gia quản trị toàn cầu.
"Trung Quốc sẽ không bao giờ phát triển trên sự tổn thất lợi ích của quốc gia khác nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Sự phát triển của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho quốc gia nào. Dù phát triển đến đâu, Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền", Chủ tịch Trung Quốc nói.
Những tuyên bố trên được ông Tập đưa ra khi Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng về thương mại và ngoại giao từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 phát động chiến tranh thương mại khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp nhiều khó khăn. Trump và ông Tập thỏa thuận "đình chiến" 90 ngày để đàm phán. Tuy nhiên, việc Mỹ yêu cầu Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc, khiến nhiều người hoài nghi về kết quả đàm phán giữa hai bên.